Báo cáo tại buổi làm việc, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, với vị trí của một địa phương có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, hoạt động đối ngoại của tỉnh được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, kể cả ngoại giao Đảng, chính quyền và đối ngoại nhân dân.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài, có quan hệ kinh tế, thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế.
Tình hình chủ quyền, lãnh thổ, an ninh trật tự biên giới trên bộ, trên biển cơ bản ổn định. Hệ thống đường biên, mốc giới đảm bảo giữ vững. Qua đó, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những vấn đề liên quan đến các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, công tác đối ngoại địa phương, công tác biên giới-lãnh thổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó đặc biệt là các nội dung liên quan đến hoàn thiện thủ tục công bố cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung và các lối mở biên giới khác; hỗ trợ Quảng Ninh trong việc mở rộng phát triển hợp tác với các đối tác mới; hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc…
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Trong suốt quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định quan hệ đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở cụ thể hóa các định hướng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ công tác đối ngoại trên tất cả các mặt chính trị-kinh tế-văn hóa với cả 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó, tăng cường tin cậy chính trị với các đối tác truyền thống. Đây là yếu tố rất quan trọng để Quảng Ninh có thể tận dụng được các cơ hội phát triển mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối mang tầm quốc tế cả đường bộ, đường biển và đường hàng không. Các dự án này không chỉ thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Quảng Ninh với quốc tế mà còn góp phần hình thành một hành lang giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc cũng như thị trường Đông Bắc Á.
Cùng với việc nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ hợp tác truyền thống, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, Quảng Ninh cũng đang tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó trọng tâm là với các địa phương, tổ chức của Nhật Bản. Qua đó, không chỉ quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế mà còn góp phần quan trọng trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh. |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng các thành tựu kinh tế-xã hội mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được, đặc biệt là những bước phát triển vững chắc trong phát triển kinh tế; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của tỉnh được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của Quảng Ninh.
Theo Bộ trưởng, cách làm của Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là quan điểm trong huy động nguồn lực cho phát triển theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, đột phá càng khẳng định tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong việc huy động nguồn lực quốc tế để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cùng đoàn công tác đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 170 (Vùng 1 Hải quân). |
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối ngoại. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống. Đồng thời, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ hợp tác quốc tế nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển dịch vụ-du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Tiếp tục củng cố công tác biên giới, lãnh thổ, song song với tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị, cùng phát triển.
Đến thăm và làm việc với Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Sở Ngoại vụ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào phát triển của địa phương.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Sở bám sát các chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của địa phương, trong đó ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược. Mỗi cán bộ ngoại vụ không ngừng trau dồi, học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tâm, trách nhiệm với công việc, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác đối ngoại địa phương.