Đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn ra chiều 27/4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB& XH ) Đào Ngọc Dung cho biết, việc ban hành Nghị Quyết 42 và gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ nhằm hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là quyết định chưa có tiền lệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân đã và đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước.
Đến nay, về cơ sở pháp lý, các địa phương đã hoàn toàn đủ căn cứ để triển khai. Ngay sau Hội nghị này, các bộ liên quan sẽ tiếp tục hướng dẫn bằng thông tư hoặc có văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền được phân công.
Một số đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hội nghị trực tuyến toàn quốc để hướng dẫn có tính chất nghiệp vụ. Các địa phương hãy bám sát các nguyên tắc cơ bản, tập trung chỉ đạo hỗ trợ người lao động, người dân, người có thu nhập giảm sâu do ảnh hưởng của Covid-19, không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong Quyết định và Nghị quyết của Chính phủ. Tinh thần là Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người dân.
"Việc hỗ trợ phải đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng chính sách và sẽ xử lý nghiêm minh nhất tất cả các vi phạm. Chúng ta không mong muốn điều này, nhưng nếu xảy ra sẽ xử lý nghiêm minh về hành chính, xử lý về Đảng và nếu vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ chuyển sang cơ quan xử lý hình sự. Tinh thần đúng với chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, mỗi đối tượng chỉ hưởng hỗ trợ một chính sách, bình thường là chính sách cao nhất. Nhưng nếu đối tượng đó lại từ chối không hưởng chính sách cao nhất mà xin nhận một chính sách nào đó thấp hơn thì sẽ hoàn toàn được ủng hộ. Ví như hộ kinh doanh mà là đối tượng người có công rồi thì cũng chỉ hưởng một chính sách. Kể cả chính sách địa phương đã thực hiện rồi mà đối tượng đó lại trùng với chính sách của Trung ương theo Quyết định của Thủ tướng thì cũng chỉ hưởng một chính sách, còn nếu như chính sách đó hưởng thấp hơn thì đối tượng đó sẽ được hưởng chênh lệch…
Về đối tượng bảo trợ xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ thực hiện áp dụng hỗ trợ chính sách đối với người đang hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng ở cộng đồng theo Nghị định 136 của Chính phủ. Còn những người đang hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền nuôi… ở trong các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thì không áp dụng gói hỗ trợ này.
Về chuẩn nghèo, 4 địa phương: TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng đã quy định mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo tại Nghị định 59 của Thủ tướng Chính phủ thì cho phép áp dụng mức chuẩn nghèo cao hơn (tức là chuẩn nghèo của địa phương: tỉnh, thành phố). Lưu ý đây là chuẩn nghèo do tỉnh, thành phố quyết định chứ không phải áp dụng theo chuẩn nghèo xã, phường áp dụng.
Về tiêu chuẩn hồ sơ thủ tục, Bộ trưởng yêu cầu phải thực hiện đúng Quyết định 15. Bên cạnh quy định là phải làm đúng và minh bạch thì cần phải tiến hành làm nhanh, làm khẩn trương.
"Không để chính sách của chúng ta đưa ra rồi cứ lòng vòng mãi bởi rất nhiều người đang khao khát mong chờ gói hỗ trợ. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta. Việc triển khai theo quy định là thẩm quyền quyết định ở địa phương. Đảm bảo công khai minh bạch đúng đối tượng và chịu trách nhiệm toàn bộ trước Chính phủ, trước Hội đồng nhân dân, trước cấp ủy… là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Nếu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân ủy quyền thì phải chịu trách nhiệm về ủy quyền của mình", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc triển khai gói hỗ trợ sẽ khuyến khích các đơn vị thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến. Tinh thần cơ bản là sẽ chuyển khoản thông qua ngân hàng. Hiện nay một số ngân hàng đã đăng ký mở tài khoản cho người lao động và chuyển tiền miễn phí.
Tại Hội nghị, một số ý kiến phát biểu chỉ triển khai ngay 4 nhóm là: hộ nghèo, người có công, cận nghèo và bảo trợ xã hội. Bộ trưởng cho rằng, 4 nhóm này đã có danh sách thì tập trung triển khai càng nhanh càng tốt, tinh thần là trong tháng 4/2020. Như vậy không có nghĩa các nhóm còn lại không triển khai trong tháng 4/2020. Ví như đối tượng người lao động tự do – đối tượng khó khăn nhất hiện nay đang rất cần hỗ trợ và càng làm nhanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chỉ còn các nhóm có quan hệ lao động thì phải có hồ sơ… thì mới hỗ trợ được, nên có thể sẽ giãn ra một chút. Khi có hồ sơ sẽ giải quyết ngay theo quy trình chậm nhất là 10 ngày.
Kiểm tra giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực
Về giám sát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, về rà soát toàn bộ cơ sở, đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp cơ sở và đoàn thể các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát, lên danh sách chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát.
Việc cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương giám sát ở từng gói là giám sát theo các đoàn… Ở doanh nghiệp thì công đoàn tham gia ngay từ đầu. Bộ LĐ-TB&XH sẽ thiết lập đường dây nóng, thành lập một trang điện tử, lập 1 nhóm để chuyên nghiên cứu giải đáp chính sách và các thắc mắc...
"Gói hỗ trợ này rất quan trọng. Chúng tôi chỉ mong muốn đừng để ai bị xử lý về Đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật khác. "Đụng" đến gói hỗ trợ này không ổn đâu và nếu có thì đây là sẽ là nỗi nhục của các đồng chí cán bộ. Do đó, cần phải tự giác cũng như kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa nhấn mạnh.