Ông Nhạ cho biết, khác với các trường đại học, tự chủ đối với các trường mầm non, phổ thông là vấn đề mà Bộ GD-ĐT rất băn khoăn. Vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phải tách thành 2, một nghị định cho đại học và một nghị định dành cho phổ thông.
Khẳng định tự chủ tài chính đối với các đơn vị giáo dục phổ thông là vấn đề cần phải bàn thêm, tuy nhiên, ông Nhạ cũng cho rằng tự chủ ở đây được hiểu là phân cấp, phân quyền cho các đơn vị này, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Theo đó, hiện nay, phần tự chủ về chương trình, kế hoạch hoạt động thì đã có. Tuy nhiên, trong thực tế các trường chưa thực sự được chủ động nhiều. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện chính sách một chương trình nhiều sách giáo khoa, tăng tính linh hoạt của các thầy cô và nhà trường.
Nếu như không phân cấp cho các trường thật mạnh thì có thể các sở, huyện can thiệp vào việc chọn SGK và nhiều hoạt động khác của trường. "Như vậy, hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ không được chủ động" - ông Nhạ phân tích. Việc này nằm trong quyền hạn của Bộ GD-ĐT nên việc thực hiện không có vấn đề gì lớn.
Theo ông Nhạ, vấn đề đối với các trường phổ thông là ở việc tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự.
Hiện nay, các trường là người có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì thường là người bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vướng mắc nhất với tự chủ các trường phổ thông chính là tự chủ về biên chế. |
Chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên thường là UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm, tuyển theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường ký hợp đồng, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.
Từ đó, ông Nhạ nêu quan điểm sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ; đồng thời đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên.
"Cho các trường phổ thông được tự chủ thì họ sẽ được quyền chủ động tuyển người, chủ động đánh giá cán bộ và cứ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể cho nghỉ. Như vậy là đã tiến bộ lắm rồi" - ông Nhạ phân tích.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xác định coi việc giao quyền tự chủ về nhân sự là bước một, còn bước hai là tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.
Ông lý giải, ở các trường tư, giáo viên cũng chỉ là chế độ hợp đồng lao động nhưng "vẫn rất tốt".
"Thị trường lao động đúng nghĩa là giáo viên trường công cũng như trường tư. Khi đã từng bước hòa nhập thì các trường phổ thông công hay tư cũng đều lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm tiêu chuẩn". Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng, việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Giải thích về lộ trình, ông Nhạ khẳng định sẽ nghiên cứu từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng. "Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra".
Ông Nhạ cho rằng, việc chuyển sang chế độ hợp động đối với giáo viên là cần thiết và nếu Chính phủ ủng hộ thì đây sẽ là cơ hội rất tốt cho ngành giáo dục. "Nếu được ủng hộ, chúng tôi quyết tâm cùng Chính phủ và các bộ ngành từng bước thực hiện được chủ trương này".