Bộ trưởng KH - ĐT tìm được 'bí quyết' thu hút nguồn lực trong dân?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ này cần tiếp tục theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng...
Bộ trưởng KH - ĐT tìm được 'bí quyết' thu hút nguồn lực trong dân?

Sáng nay, 15/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn trực tiếp của ĐBQH.

Trước trăn trở của các ĐBQH về thủ tục dự án đầu tư công - tư (PPP) còn nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc chậm chế trong phân bổ vốn đầu tư không phải do cơ chế "xin - cho".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, thủ tục cho các dự án PPP đang "có vấn đề", do đó đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.

Nhận định, việc thu hút đầu tư còn chênh lệch giữa các địa phương là do lợi thế cạnh tranh của các địa phương không bằng nhau, người đứng đầu Bộ KH - ĐT cho rằng, phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ đường bộ, cảng biển đến các hạ tầng chung, phải đào tạo nguồn nhân lực, vì nhiều nơi nhân lực không đáp ứng yêu cầu.

Đánh giá nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài trong xã hội còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ KH - ĐT cần tiếp tục theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng...

Trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động các nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu, nguồn lực của nước ngoài là bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là trong công tác xây dựng thể chế pháp luật, Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Luật đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được những tồn tại hàng chục năm, như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng chưa có nguồn hoàn trả...

Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang quản lý chặt chẽ hơn cũng không tránh khỏi nảy sinh nhiều vấn đề, khó khăn về quy trình, về thủ tục, về nhu cầu không đáp ứng được đủ vốn và sự co kéo trong bố trí vốn, phân bổ vốn không tập trung, giao vốn chậm, nhiều lần... đòi hỏi Bộ KH - ĐT phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách. Do vậy, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất phải tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công. Giải được bài toán cân đối về cơ cấu vùng, miền, ngành, lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh hiệu quả, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin và quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch và hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công...

Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã nhận được 270 câu hỏi của cử tri. Bộ đã có văn bản trả lời đến từng đại biểu Quốc hội có chất vấn; một số chất vấn mà Bộ mới nhận được sẽ tiếp tục được trả lời bằng văn bản trong vài ngày tới. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ luôn nhận thức sâu sắc rằng đây là một dịp tốt để báo cáo những việc đã làm được, giải trình thêm và làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; được lắng nghe và tiếp thu ý kiến tâm huyết, những ý kiến, ý tưởng mới và sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, thấy được thêm trách nhiệm của cá nhân và đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm