Đại biểu Quốc hội lo dược liệu giá rẻ, kém chất lượng trúng thầu vào bệnh viện

(PLO) - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều nay (14/6), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện có tới 80 – 85% dược liệu mà chúng ta đang sử dụng được nhập khẩu về từ Trung Quốc, trong khi các cơ quan chức năng ở cửa khẩu chỉ mới kiểm tra được số lượng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu. 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, cử tri phản ánh, hiện nay việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc cổ  truyền rất hỗn loạn, thả nổi về giá cả và chất lượng, trong khi đó công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhiều cơ sở kinh doanh khám chữa bệnh bán thuốc không phép. 80 – 85% thuốc hiện nay là nhập khẩu chủ yếu từ trung quốc song cửa khẩu nhập khẩu chỉ kiểm tra được số lượng, và trọng lượng, không kiểm tra được chất lượng dược liệu. Công tác đấu thầu dược liệu chưa có hướng dẫn riêng, nên hầu hết việc đấu thầu dược liệu là đấu giá, không có điều kiện rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật…như tân dược nên dẫn đến tình trạng một số dược liệu không đảm bảo chất lượng, có giá thành rẻ, được trúng thầu vào các cơ sở khám chữa bệnh.

Đặt câu hỏi, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết  “giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng này trong thời gian tới là gì? Khi nào chúng ta kiểm soát tốt được việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đấu thầu loại dược liệu này?”.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế có biết thực trạng này nên thời gian gầy đây, Bộ đã yêu cầu tất cả thuốc, dù nhập theo đường chính ngạch, và cả không chính ngạch ( thực chất là buôn lậu qua đường biên giới – PV) đều phải kiểm nghiệm chất lượng trước khi vào các khoa khám bệnh y học cổ truyền. Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 ở Trung ương và địa phương để xử lý những trường hợp buôn lậu tân dược qua biên giới. Đồng thời, tập huấn, tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát và xử phạt rất nhiều trường hợp dùng thuốc không đảm bảo chất lượng.

Về tình trạng loạn giá trong đấu thầu thuốc đông y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Thuốc đông y cũng được đấu thầu như thuốc tân dược vì bảo hiểm cũng thanh toán theo danh mục. Bảo hiểm họ cũng rất chặt, cho nên đấu thầu thuốc ở các đơn vị đó cũng đảm bảo và không thể nào mà loạn giá được”.

Trước chất vấn của Đại biểu về việc khi nào chúng ta kiểm soát tốt được việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu và Bộ Y tế có chính sách gì để hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vì quan tâm đến dược liệu và phát triển nguồn y học cổ truyền cũng như các thuốc tân dược sản xuất từ dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các Bộ Y tế, Khoa học – Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu trong nước để có chính sách phát triển, hỗ trợ nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ dược liệu. Trong đấu thầu, thực hiện Nghị định 63 của Chính phủ về đấu thầu, Bộ Y tế đã ban hành những Thông tư, Danh mục những loại thuốc sản xuất ở trong nước và thuốc y học cổ truyền để đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Đối với vấn đề ưu tiên người Việt dùng thuốc Việt, Bộ Y tế có Đề án người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt và bình bầu danh hiệu những Ngôi sao thuốc Việt. “Đã nhiều doanh nghiệp dược Việt Nam sản xuất dược liệu được bình bầu là Ngôi sao thuốc Việt, ưu tiên trong danh sách đấu thầu và mua sắm tập trung” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế chiều 14/6, nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm tới thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Hướng nền y học theo y tế giá rẻ?

Tranh luận về vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, các giải pháp Bộ Y tế đang áp dụng để “đuổi theo” chính sách siết chi của BHYT dường như “hướng nền y học nước nhà theo y tế giá rẻ”. Cụ thể ở đây là: Thuốc rẻ, vật tư rẻ, tận dụng vật tư, áp trần độ cao... để giảm chi. Việc này đi ngược với chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tự chủ của cơ sở y tế, liên quan đến y đức..., thậm chí có ý kiến cho rằng là nguyên nhân gây ra tăng tỷ lệ tử vong trong điều trị, khám chữa bệnh. Những vụ việc nổi cộm gần đây làm cử tri lo ngại. 

“Tư lệnh” ngành cần khẳng định quan điểm để cử tri yên tâm, vì y tế liên quan trực tiếp tính mạng của người dân”, ĐB Nguyễn Phi Thường yêu cầu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nước ta cũng nằm trong quy luật chung của các nước khác. Hiện nay, quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh và bệnh nhân trong một “tam giác” co kéo lẫn nhau. Bệnh nhân muốn được hưởng quyền lợi cao nhất, mà đóng thì thấp nhất, mệnh giá không cao, khó tham gia. Bác sỹ, ngành y tế muốn thuốc tốt nhất, máy xét nghiệm hiện đại và chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất. Người khám chữa bệnh bao giờ cũng đưa ra pháp đồ điều trị tiên tiến nhất.

Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, BHXH là cơ quan giữ quỹ, bảo đảm không bị phá quỹ, thì có mức chi nhất định để hạn chế lạm dụng, chi quá mức Quỹ BHYT. Lúc nào cũng giằng co các yếu tố này trong quản lý BHYT, nếu  “tam giác” này co kéo về hướng nào cũng sẽ xảy ra lạm dụng, trục lợi hoặc lạm dụng kỹ thuật, siết chi… 

“Vấn đề này rất nóng nên BHXH sẽ có giải pháp cân bằng thu chi, giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Quyền lợi được hưởng so với mức đóng rất cao

Liên quan đến BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật BHYT thông qua có hiệu lực năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện ưu việt của chế độ chúng ta; quyền lợi được hưởng so với mức đóng thì quyền được hưởng rất cao. Khi ban hành nhiều đối tượng được ưu tiên như người nghèo, học sinh sinh viên được tiếp cận dịch vụ y tế

Thời gian qua, chúng ta đã làm được khối lượng công việc rất là lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho 150 triệu lượt người; hiện nay độ bao phủ là 77 triệu người chiếm khoảng 83% dân số, nếu theo tinh thần Nghị quyết 21 thì sau 2020 chúng ta mới đạt 80% nhưng Chính phủ chỉ đạo sát sao bằng nhiều giải pháp tích cực như nâng giá dịch vụ y tế, giao chỉ tiêu phát triển KT-XH cho các địa phương, chỉ đạo thanh tra kiểm tra để sử dụng quỹ này hiệu quả cho nên đã bao phủ được 83%.

Về quỹ BHYT, bình quân mức thu chưa đến 30 USD nhưng tổng quỹ hiện nay chúng ta huy động 1 năm được trên 70.000 tỉ, có thể nói một khối lượng công việc khổng lồ và ngành y tế đã đáp ứng được, chất lượng KCB nâng lên rất nhiều, tinh thần thái độ tốt hơn nhiều.

Tuy nhiên do đối tượng phục vụ quá lớn 150 triệu lượt người và rải rác ở 14.000 cơ sở KCB dẫn tới tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến. 

Thời gian tới sẽ tiến hành công khai các thông tin liên quan đến BHYT để tránh tình trạng trục lợi. Đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để quản lý hiệu quả Quỹ BHYT...

Chuyển thẳng lên tuyến trên là nguyện vọng chính đáng

Về thủ tục chuyển tuyến đối với bệnh nan y, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, chuyển thẳng lên tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng của người bệnh. 

Hiện nay đã có sự thông tuyến từ tuyến xã, tuyến tỉnh, tuyến huyện. Trong lộ trình đến năm 2021 sẽ thông tuyến toàn quốc. 

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến tỉnh chăm sóc sức khỏe khá tốt, người dân có thể đi từ những tuyến ban đầu. Với những bệnh nặng và mãn tính, theo dõi giám sát và điều trị theo phác đồ. 

Hiện nay, ngành y tế đang xây dựng chương trình thực hiện thí điểm người bệnh có thể đến nhận thuốc tại xã huyện mà không cần đi xa, vì thực chất bệnh mãn tính gần như là điều trị theo phác đồ. Còn với những bệnh nặng, trong giai đoạn đầu phát hiện thì người bệnh sẽ được tiếp cận ở cơ sở y tế cao nhất.

Giá thuốc ổn định

Về câu hỏi giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới hay không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì giá thuốc trên thị trường Việt Nam là ổn định, không tăng cao.

Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…

Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh.

Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận.

Về vấn đề y đức, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Bộ trưởng cho biết vừa qua Bộ đã ban hành chương trình hành động với những giải pháp toàn diện để nâng cao văn hóa ứng xử của cán bộ y tế gắn với học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai đường dây nóng, lặp đặt camera giám sát, xử phạt nghiêm các cá nhân vi phạm; nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế...

Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh"
 Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh"

Giảm 700 đầu mối tuyến huyện

Về lĩnh vực y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nếu thực hiện theo đúng chủ trương sẽ giảm khoảng 700 đầu mối ở tuyến huyện và tuyến huyện sẽ là đơn vị chỉ đạo chuyên môn; bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng sẽ nằm trong một trung tâm, chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã.

Theo Bộ trưởng, điều này có lợi cho việc giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính - kế toán để đầu tư vào chuyên môn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất có thể tận dụng, bớt chi phí về văn phòng.

Về điều hành, trung tâm y tế hai chức năng sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã cả về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và cả điều trị trực tiếp. Đặc biệt là tăng nguồn nhân lực, vì ở tuyến xã rất khó khăn và chưa đầy đủ.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã cho phê duyệt Nghị quyết 2348 về Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là đề án rất tâm huyết, chuẩn bị công phu để thực hiện.

Về thực trạng chất lượng nhân lực còn yếu về chất lượng và thiếu về chất lượng. Sự phân bổ chưa phù hợp, chưa đồng đều tại thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi cũng tâm huyết xây dựng Đề án và hội nhập quốc tế”.

Giá tăng chất lượng phải tăng

Trả lời chất vấn về việc giá tăng thì dịch vụ có tăng không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: theo Nghị định 16 thì trong năm 2017 thì phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp, nhưng đến năm 2017 chúng ta chưa thực hiện được do phải xem xét CPI để chống lạm phát.  

Khi giá tính đúng, tính đủ, thay vì người dân bù thêm giá chưa được tính thì được BHYT chi trả, người dân sẽ đỡ mất tiền túi. Giá tăng thì chất lượng phải tăng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế sẽ thúc đẩy đổi mới toàn diện phong cách phục vụ, trước giờ khám bệnh phải cúi chào bệnh nhân, niềm vui và hạnh phúc là phục vụ bệnh nhân. Đối với nhà nước thì giảm chi ngân sách cho các chi phí trực tiếp vào lương. 

Theo thống kê chưa đầy đủ đơn vị trực thuộc Bộ từ khi tính lương vào giá, thì ngành y tế đưa không phụ cấp vào lương khoảng 10 nghìn tỷ, đó là chưa lấy chi phí tái đầu tư theo Quỹ phát triển trích lại. TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn, giai đoạn đầu báo cáo chưa đầy đủ cũng đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng không phải cho ngành y tế. Đó cũng là lợi cho người dân, nhà nước và các cơ sở y tế.

Hoàn thiện quy định về quản lý trang thiết bị

Về đầu tư trang thiết bị ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết vừa qua Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều thiết bị chưa hết khấu hao đã hỏng, đắp chiếu. 

Theo Bộ trưởng, một trong những lý do là công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…

Về chênh lệch giá cao giữa các cơ sở y tế khi mua cùng một mặt hàng, Bộ trưởng lý giải “kiểm toán có quyền kết luận, tuy nhiên các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”, vì trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng.

Bộ trưởng ví dụ, kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua thì giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cũng là kim cánh bướm, nhưng cái bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân…vì vậy giá chênh lệch nhau.

Tương tự như vậy, dây truyền dịch, các hóa chất khác, tên cơ bản giống nhau nhưng chức năng khác nhau thì giá phải khác.

“Chúng tôi đã giải trình rồi, giá đấu thầu ở các bệnh viện đó, theo đánh giá của thanh tra, kiểm tra và các đoàn giám sát thì là giá thấp nhất. Chúng tôi cũng có giải trình trong báo cáo của Quốc hội”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã trình UBTVQH Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị, quy trình mua sắm trang thiết bị tương đối chặt chẽ. Quản lý được phân cấp phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp, và các Sở y tế và các đơn vị này thực hiện quy trình này theo Luật Đấu thầu, và nghị định về đấu thầu, nhưng thời gian tới, có lẽ Bộ sẽ trình Quốc hội luật về quản lý trang thiết bị.

Đọc thêm