Bộ trưởng Lê Thành Long: Pháp lý phải đi cùng cuộc sống

(PLO) -Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học (HĐKH) Bộ nêu yêu cầu trên khi chủ trì phiên họp thường kỳ của HĐKH Bộ Tư pháp, chiều qua (7/12). 
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì phiên họp

Phiên họp lần này tập trung cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác của HĐKH Bộ nhiệm kỳ 2012 – 2017, phương hướng nhiệm kỳ 2017 – 2022 và phương án nhân sự bầu thành viên HĐKH Bộ nhiệm kỳ mới.

Thiết thực đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành

Báo cáo kết quả nhiệm kỳ 2012 – 2017, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết: Tuy có nhiều biến động về nhân sự do nghỉ hưu, chuyển công tác nhưng HĐKH Bộ đã bám sát các kế hoạch và nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm của Bộ, đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực cho đất nước, cho thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của Bộ, ngành.

Cụ thể, HĐKH Bộ đã duy trì tốt kỷ luật phiên họp, mỗi phiên họp luôn đảm bảo có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng và việc thảo luận diễn ra dân chủ, thẳng thắn với những góc nhìn đa chiều. Bên cạnh đổi mới quy trình chuẩn bị các phiên họp, HĐKH Bộ đã có những đổi mới nhất định về phương thức và hình thức sinh hoạt khoa học, linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, HĐKH Bộ đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc tư vấn, cho ý kiến về những vấn đề khoa học lớn của Bộ, ngành, từng bước nâng tầm của Hội đồng trong hoạt động tư vấn chuyên môn…

Tuy nhiên, hoạt động của HĐKH Bộ còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa làm hết các công việc đề ra, hoạt động tư vấn chuyên môn đôi khi không kịp thời với yêu cầu thực tiễn của đơn vị cần tư vấn… Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới, công tác tư vấn khoa học của HĐKH Bộ sẽ tập trung vào các vấn đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành. Riêng về đổi mới phương thức hoạt động, cần xác định rõ những nội dung đưa ra HĐKH Bộ cho ý kiến; đề cao kỷ luật, trách nhiệm của các thành viên HĐKH Bộ…

Về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị và phương án nhân sự bầu thành viên HĐKH Bộ nhiệm kỳ 2017 – 2022, ông Cương cho biết: Trên cơ sở công văn của Viện, các đơn vị đã đề cử, giới thiệu các cán bộ đủ tiêu chuẩn ứng cử làm thành viên HĐKH Bộ. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐKH Bộ, ngoài 2 thành viên đương nhiên (là Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý), dự kiến sẽ kiện toàn 17 thành viên để Hội nghị bầu thành viên HĐKH Bộ nhiệm kỳ 2017 – 2022 tới đây tiến hành bầu, để lại 2 thành viên sẽ kiện toàn bổ sung trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, khối đào tạo chọn 5 thành viên, khối các đơn vị thuộc Bộ ngoài khối đào tạo là 12 thành viên.

Không thể khép kín công tác khoa học

Liên quan đến phương án nhân sự bầu thành viên HĐKH Bộ nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng Lê Thành Long và các thành viên Hội đồng nhất trí với đề xuất của Viện, đồng thời cho nhiều ý kiến cụ thể vào Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng, cần làm sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐKH Bộ nhiệm kỳ 2012 - 2017, chỉ ra nguyên nhân để xác định giải pháp khắc phục. Đối với nội dung hoạt động, ông Ba đề nghị phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành để xác định nhiệm vụ trọng tâm của HĐKH Bộ như trong triển khai đề án đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ theo Nghị định 96/2017/NĐ-CP có nhiệm vụ khoa học nào không, sắp xếp lại tổ chức bộ máy ra sao để hoạt động hiệu quả. Ông Ba cũng đồng ý đổi mới cách thức hoạt động của Hội đồng và cho rằng phải có “điểm nhấn” như phát huy trách nhiệm của mỗi ban, nhóm hay từng thành viên để cuối năm cùng nghe báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện, phù hợp vị trí công tác của từng người.

PGS.TS Bùi Đăng Hiếu (Trường Đại học Luật Hà Nội) đề xuất xây dựng cơ chế bắt buộc trong việc xin ý kiến và giải trình tiếp thu ý kiến tư vấn của HĐKH Bộ. Về kỷ luật, trách nhiệm của thành viên Hội đồng, theo ông Hiếu, nên yêu cầu các thành viên phải có ý kiến bằng văn bản trước mỗi phiên họp và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia vào các hoạt động có liên quan của Bộ Tư pháp.

Nguyên Thứ trưởng Đinh Trung Tụng lưu ý “khoa học phải đi trước một bước” thì trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải nghiên cứu như mới đây đã có nước cấp quyền công dân cho 1 robot. Khẳng định công tác khoa học không thể khép kín, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị xây dựng cơ chế huy động đóng góp trí tuệ của các chuyên gia trong, ngoài Bộ… 

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu phải đánh giá kết quả công tác của HĐKH bám sát 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng, việc tham gia vào các Dự án Luật, vào các vấn đề liên quan đến quản lý ngành... để làm sâu sắc hơn công tác chuyên môn của Hội đồng. Trong bối cảnh đất nước nói chung và định hướng phát triển hiện nay và sắp tới của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo Bộ trưởng, có rất nhiều vấn đề làm thay đổi cách thức, quan niệm hiện nay, bao gồm cả những vấn đề pháp lý.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận nghiêm túc, pháp lý phải đi cùng cuộc sống, sắc nét hơn, tập trung hơn, sát hơn vào các vấn đề pháp lý của Bộ, ngành” – Bộ trưởng nhấn mạnh và tán thành nhiều góp ý của các thành viên Hội đồng, đồng thời đề nghị nhiệm kỳ tới phải phát huy vai trò của cơ quan giúp việc thường trực, các ban chuyên môn của Hội đồng.

Đọc thêm