Luật phải dễ hiểu, phải gần dân và phải đi vào cuộc sống
Báo cáo trước đại biểu cử tri nội dung dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Văn Huynh - Trưởng Ban thường trực Hội thánh Cao Đài Bạch Y, Đại diện Đoàn ĐBQH đơn vị số 2 cho biết: kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ xem xét, thông qua một số dự án Luật như: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật Thủy lợi, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), Luật Cảnh vệ, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)… và 5 dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả việc thực hiện những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước tháng đầu năm 2017; xem xét thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; báo cáo của Chính phủ việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; tình hình thực hiện các dự án công trình trọng điểm của quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội…
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri |
Cần có chính sách trợ giá cho người dân vùng khó khăn
Sau khi nghe Đoàn ĐBQH thông qua các nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri tham dự buổi tiếp xúc rất đồng tình, đồng thời gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng của mình với Đoàn ĐBQH.
Cử tri Nguyễn Văn Thậm (ấp Hiệp Hòa, xã Vĩnh Bình Bắc) phản ánh: việc kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay ở các địa phương còn quá qua loa, kết quả của các mẫu xét nghiệm thực phẩm chưa công bố rộng rãi đến người dân. “Hầu hết các Đoàn kiểm tra chỉ đến các cơ sở lấy mẫu xét nghiệm xong rồi thôi; không phản hồi, công bố kết quả cho người dân” - ông Thậm nói.
Liên quan đến vấn đề xây dựng pháp luật, đại diện bà con cử tri xã Vĩnh Bình Bắc, ông Huỳnh Ngọc Nguyên - Bí thư xã Vĩnh Bình Bắc, phản ánh, hiện có quá nhiều luật, luật sửa đổi bổ sung, Nghị định, Thông tư hướng dẫn làm cho người dân rất khó hiểu, khó tiếp cận, thậm chí ngay cả cán bộ cũng hiểu sai. Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần tiếp cận cách làm luật để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Cử tri Nguyên cũng băn khoăn trước tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân đang gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường cùng với nông sản làm ra hầu như không có đầu ra đảm bảo, người dân sản suất hầu như không có lãi, giá cả bấp bênh, thậm chí bị thương lái ép giá. Do đó, Chính phủ cần có chính sách trợ giá cho người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, các vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng thường xuất hiện nhiều ở nông thôn, trong khi người dân nông thôn không có kinh nghiệm để phân biệt; việc kiểm định của địa phương cũng rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, cần ưu tiên xúc tiến đầu tư đưa hàng hóa có chất lượng về nông thôn để người dân được thụ hưởng.
Ngoài ra, các vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị định 29 của Chính phủ về chế độ phụ cấp cho cán bộ cấp xã, để cán bộ cấp cơ sở được yên tâm công tác cũng được đa số cử tri kiến nghị. Cử tri Lê Trí Dũng, Công an xã Vĩnh Bình Bắc (huyện Vĩnh Thuận) đề xuất lương hàng tháng của cán bộ không chuyên trách cấp xã chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng không thể đảm bảo nhu cầu cuộc sống… trong khi đây lại là cán bộ nguồn để bổ sung cho tuyến huyện và tỉnh. Muốn chuyển tải những thông điệp nhanh nhất những chủ trương chính sách của Đảng và nước thì cần phải có cán bộ cấp cơ sở giỏi. Tuy nhiên, theo bà con cử tri, hiện chế độ phụ cấp này vẫn chưa được địa phương triển khai thực hiện.
Nhiều cử tri ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng đặc biệt quan tâm kiến nghị và đề nghị các sở ngành địa phương giải thích các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với người có công.
Ngoài ra, các vấn đề bảo hiểm xã hội; hỗ trợ hạn mặn; chế độ phụ cấp cho người cao tuổi; đầu tư thủy lợi cải thiện môi trường nông thôn… cũng được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị trước Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn ĐBQH lần này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 đã trao 6 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. |
Người dân cần tăng cường giám sát về môi trường, an toàn thực phẩm
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị số 2 tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Kim Bé - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang - ghi nhận những tâm tư nguyện vọng của cử tri, đồng thời cho biết các kiến nghị, đề xuất của bà con sẽ được Đoàn ĐBQH đôn đốc, đề nghị địa phương sớm triển khai thực hiện.
Riêng vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Bé kêu gọi người dân cùng chung tay đồng lòng với chính quyền địa phương tăng cường giám sát để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Nhất là trong việc sản xuất cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, tránh việc lạm dụng phân thuốc trong sản xuất để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc Chính phủ cần có cơ chế trợ giá cho dân, bà Bé cho biết hiện Chính phủ đang thực hiện vấn đề này cụ thể, vừa qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư đê bao thủy lợi, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi cho nông dân…
“Hiện Việt Nam đã gia nhập WTO nên việc hỗ trợ phải theo cơ chế thị trường, theo xu hướng chung. Chính phủ và cả lãnh đạo địa phương luôn mong muốn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người dân nhưng do nguồn lực còn hạn hẹp nên việc đầu tư phải có chọn lọc. Việc nào cấp bách ưu tiên trước”, bà Bé cho biết thêm.
Thông tin thêm cho bà con cử tri về tình hình an ninh quốc phòng, bà Bé cho hay tình hình an ninh quốc phòng tại Việt Nam cơ bản ổn định, luôn là điểm đến an toàn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.
Trong ngày 25/4, Bộ trưởng Lê Thành Long và Đoàn ĐBQH cũng đã trao tặng 6 phần quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn 2 xã Vĩnh Bình Bắc và Vĩnh Hòa.