Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện tập trung nghiên cứu ba nội dung chính cần được bám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Thứ nhất, mở rộng đối tượng được phép trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt là những trường hợp đã từng mất quốc tịch, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc trở lại quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân. Thứ ba, rà soát và đánh giá các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người trở lại quốc tịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cá nhân đó vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
![]() |
Quang cảnh cuộc họp. |
Về nội dung mở rộng đối tượng, Thứ trưởng cho biết dự thảo Luật đang xem xét khả năng cho phép trẻ em có cha hoặc mẹ có quốc tịch Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp quốc tịch nước ngoài của trẻ vẫn được giữ, với điều kiện quốc gia còn lại cho phép song tịch với các thủ tục đơn giản hơn trước.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu chỉ đạo cuộc họp. |
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, nhu cầu của kiều bào được trở về gắn bó với quê hương ngày càng lớn. Nhiều trường hợp dù mang dòng máu Việt nhưng do không có quốc tịch, họ không thể thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với đất nước. Việc sửa đổi Luật lần này là bước đi quan trọng để “cởi trói” về mặt pháp lý, mở ra cơ hội thu hút nguồn lực quý báu từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm tri thức, công nghệ, tài chính và nhân lực chất lượng cao…) đóng góp vào sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh những mặt tích cực, Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số thách thức có thể phát sinh như vấn đề an ninh, xung đột pháp lý hay tranh chấp tài sản liên quan đến những người mang nhiều quốc tịch. Thứ trưởng khẳng định các rủi ro này đều đã và đang xảy ra, do đó, có thể kiểm soát những rủi ro này thông qua việc xây dựng các cơ chế “xin - cho” chặt chẽ, minh bạch, xét duyệt trên cơ sở các điều kiện cụ thể, rõ ràng theo từng trường hợp cụ thể, bảo đảm vừa mở rộng cơ hội, vừa giữ vững kỷ cương pháp luật và lợi ích quốc gia.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại cuộc họp. |
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị đơn vị soạn thảo dự thảo Luật trong tờ trình cần nêu được những dự báo và đánh giá tác động tích cực cũng như tiêu cực của chính sách này trong thực tiễn về 2 chính sách. Một là chính sách cho trở lại quốc tịch (đối với kiều bào mất quốc tịch), hai là chính sách nhập quốc tịch (đối với con lai và các nhà đầu tư kinh doanh khoa học công nghệ).
Đối với 2 chính sách này với những điều kiện nới lỏng như thế, cần chỉ rõ ra được với từng chính sách mặt lợi là gì, mặt tác động không tích cực là gì... Từ đó, đưa ra những đề xuất để khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm cần ban hành Luật này, đồng thời đề nghị cần tăng cường nguồn lực cho các lực lượng thực thi như công an, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số, áp dụng các phương thức xử lý hồ sơ điện tử hiện đại thay vì tiếp tục phụ thuộc vào quy trình thủ công, hồ sơ giấy như hiện nay; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng là yếu tố then chốt nhằm bảo đảm hiệu quả thực thi Luật trong thực tiễn...