Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “2019 là năm chuyển động ngoài thực địa của ngành Giao thông”

(PLVN) - Sau một thời gian tạm lắng, với chủ yếu là công tác bị chuẩn bị đầu tư, năm 2019 này được dự báo sẽ là thời điểm sôi động trở lại của ngành Giao thông, với loạt dự án thuộc công trình trọng điểm quốc gia - cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bộ trưởng Thể khẳng định, sự nhộn nhịp sẽ quay trở lại công trường giao thông và cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành trong năm 2021
Bộ trưởng Thể khẳng định, sự nhộn nhịp sẽ quay trở lại công trường giao thông và cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ hoàn thành trong năm 2021

Áp lực ở hậu trường

Có thể thấy, hoạt động xây dựng cơ bản ngành Giao thông mấy năm gần đây  khá thưa vắng, do đại công trường nâng cấp QL1A đã hoàn thành cách nay 3 năm. Thực tế này đã phần nào khiến cho thị trường xây lắp thời gian qua kém phần sôi động. Nhưng theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đó là khoảng thời gian, Bộ tập trung cho công tác chuẩn bị đầu tư để một số dự án lớn có thể vào “vạch xuất phát” đúng tiến độ.

Thưa Bộ trưởng, hoạt động đầu tư lắng xuống, áp lực công tác của Bộ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có giảm xuống?

- Guồng quay công việc của Bộ vẫn liên tục diễn ra, nhịp độ vẫn khẩn trương. Chỉ khác là giai đoạn trước, công trường hoạt động nhộn nhịp, ai cũng dễ nhìn thấy; còn mấy năm gần đây thì tạm lắng lại, do Bộ đang dồn sức cho công tác chuẩn bị đầu tư các dự trọng điểm quốc gia. Quan sát bên ngoài xem ra hơi trầm, nhưng thực chất áp lực công việc bên trong thì không khác gì hoạt động quản lý, tổ chức thi công dự án bên ngoài hiện trường.

Cụ thể, theo Luật Đầu tư công, việc triển khai các dự án đòi hỏi phải đúng trình tự, thủ tục nên tất cả các dự án như lớn như cao tốc phía Đông, cảng hàng không Long Thành… đều phải “cài đặt” lại theo đúng quy định. Theo đó, sau khi có ý kiến của Quốc hội, Chính phủ mới giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT. Có nghĩa là Bộ phải thực hiện lại từ khâu tổ chức đấu thầu lập dự án, xét thầu, công bố kết quả trúng thấu, Tư vấn lập dự án. Sau đó, các bộ, ngành liên quan thẩm định, địa phương cho ý kiến, khi đó mới phê duyệt dự án. Xong những bước này, Bộ mới tiến hành khâu cuối là đấu thầu xây lắp và thi công…

Các bước chuẩn bị đầu tư trên là bắt buộc, và nặng tính hồ sơ, thủ tục. Nhưng khối lượng công việc, áp lực về tiến độ thì không hề nhỏ chút nào. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao độ, đến thời điểm này, công việc cũng đã cơ bản.

Dự án cáo tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng
Dự án cáo tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng

Như vậy, kể từ thời điểm này, các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ thực sự làm “nóng” hoạt động của ngành Giao thông, thưa Bộ trưởng?

- Tháng 10/2018, Bộ đã phê duyệt toàn bộ 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư công, 8 dự án theo hình thức đối tác công - tư - PPP), sau đó cho đấu thầu thiết kế kỹ thuật dự toán. Tháng 4 tới, Tư vấn sẽ chuẩn xác các cọc giải phóng mặt bằng, đầu tháng 5/2019 sẽ bàn giao phạm vị giải phóng mặt bằng, với hơn 600 km cho 13 địa phương. Tháng 9/2019, Tư vấn sẽ hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán và Bộ sẽ phê duyệt các hồ sơ này để ngay sau đó có thể tổ chức đấu thầu quốc tế 8 dự án PPP.

Riêng 3 dự án đầu tư công bằng trái phiếu Chính phủ, tiến độ triển khai đang nhanh hơn so với kế hoạch. Cụ thể, 2 dự án Cao Bồ -  Mai Sơn (Ninh Bình) và Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị), từ tháng 6/2019 trở đi sẽ khởi công một số gói thầu. Bộ đặt mục tiêu trong năm nay, sẽ đấu thầu, thi công hết toàn bộ các gói thầu thuộc dự án công, kể cả cầu Mỹ Thuận 2 (phần đường vào cầu này sẽ khởi công trong tháng 5/2019).

Cao điểm thi công 11 dự án thuộc cao tốc phía Đông sẽ rơi vào năm 2020 và hoàn thành toàn tuyến năm 2021. Có thể khẳng định, năm 2019 là năm chuyển động ngoài thực địa của ngành Giao thông. Và chắc chắn sự hối hả, nhộn nhịp ngoài công trường sẽ quay trở lại như cách đây 5 - 6 năm, khi làm QL1A.

Các “kịch bản” cho đấu thầu quốc tế

Cao tốc phía Đông có phần lớn số dự án được kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, và Bộ sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Sức hút của dự án này đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến thời điểm này như thế nào?

- Đấu thầu quốc tế thì tất cả các nhà đầu tư trong, ngoài nước đều có thể tham gia nếu họ đủ điều kiện. Những dự án nào nhà đầu tư nước ngoài không tham gia, chỉ có nhà đầu tư trong nước mà hội đủ các điều kiện, Bộ vẫn mở thầu theo thông lệ quốc tế một cách sòng phẳng, công khai.

Đến nay, đã có nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm tới dự án, thông qua các liên danh trong, ngoài nước hoặc liên danh trong nước toàn bộ, nhưng phần lớn  vẫn là những liên danh trong, ngoài nước. Họ đã có thư hoặc văn bản gửi Bộ thể hiện sự quan tâm, mong muốn được làm nhà đầu tư. Hiện, Bộ đang trong giai đoạn sơ tuyển, và dự kiến tháng 9/2019 sẽ công bố kết quả sơ tuyển nhà đầu tư. Từ tháng 9 - 12/2019, sẽ tổ chức đấu thầu. Theo đó, khi nhà đầu tư trúng thầu, nếu trong vòng 2 tháng không thu xếp được tài chính thi công thì sẽ hủy thầu, đấu thầu để chọn lại nhà đầu tư.

Lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra hiện trường Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm
Lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra hiện trường Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm

Đấu thầu tìm nhà đầu tư là hướng tới sự công khai, minh bạch, nhằm tuyển chọn những nhà đầu tư uy tín, thực lực. Nhưng Bộ có tiên liệu được những tình huống có thể xảy ra, có thể tác động trực tiếp tới tiến độ dự án, thưa Bộ trưởng?

- Cũng có thể là đấu thầu quốc tế không thành công. Nhưng điều này nếu xảy ra, thì cũng không phải do Bộ GTVT quyết định mà phụ thuộc vào điều kiện, tình hình tài chính, năng lực của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

Đối với những dự án đấu thầu thành công, Bộ sẽ sớm công bố để nhà đầu tư vào việc. Những dự án đấu thầu không thành công, Bộ sẽ khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thường vụ Quốc hội để xin chủ trương. Nếu lần 1 đấu không thành công, làm tiếp lần 2, thủ tục sẽ mất thêm ít nhất 6 tháng. Việc này có thể ảnh hướng đến tiến độ hoàn thành toàn tuyến theo kế hoạch trong năm 2021. Dù vậy, Bộ vẫn sẽ đề xuất đấu thầu lại lần 2, còn quyết định áp dụng hình thức nào để chọn nhà đầu tư dự án PPP là thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ.

Nguồn vốn triển khai dự án có khó khăn khi trần cho vay đối với một số doanh nghiệp đang hạn chế, thưa Bộ trưởng?

- 55.000 tỷ đồng Quốc hội biểu quyết đầu tư cho cao tốc phía Đông coi như đã có rồi. Bộ GTVT chỉ phải tổ chức huy động thêm hơn 60.000 tỷ đồng. Trong số này, các nhà đầu tư nếu muốn tham gia thì phải chứng minh được mình có vốn chủ sở hữu khoảng hơn 20.000 tỷ, có nghĩa Bộ chỉ phải huy động khoảng 40.000 tỷ.

Khoản này đã có hướng giải quyết khi Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho giải pháp liên quan Nhân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có phương án chuẩn bị một khoản trị giá 40.000 tỷ giao các ngân hàng thương mại nhà nước quản lý để sau khi các nhà đầu tư trúng thầu, thì các ngân hàng sẽ thẩm định cho vay. Nếu đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận gói 40.000 tỷ theo lãi suất cho vay thương mại hiện nay để triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Một liên danh trong nước muốn đầu tư đoạn Nha Trang - Cam Lâm

Ông Nguyễn Viết Hải - đại diện Liên danh Tập đoàn Sơn Hải và Thành An xác nhận với PLVN, đơn vị này vừa có văn bản số 01/CV-LD gửi Bộ GTVT bày tỏ nguyện vọng được làm nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Nha Trang - Cam Lâm).

Hồi đáp văn bản trên, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT)Vũ Tuấn Anh khẳng định, Bộ này hoan nghênh sự quan tâm của Liên danh Sơn Hải - Thành An, đồng thời cho biết, sau khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, Bộ GTVT sẽ đăng thông báo mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trên mạng đấu thầu quốc gia để nhà đầu tư tham gia sơ tuyển trước khi đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Đọc thêm