Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Chiều nay - 6/1/2021, Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
Báo cáo của TCLN cho thấy, năm 2020 trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng thiên tai hạn hán, lũ lụt, các chỉ tiêu cơ bản của ngành vẫn đạt và vượt so với năm 2019.
Cụ thể, toàn ngành đã trồng 230.288 ha rừng, đạt 105% kế hoạch năm; trồng 77,4 triệu cây phân tán các loại, đạt 155% kế hoạch năm; chăm sóc rừng trồng đạt 540.000 ha; khoanh nuôi tái sinh đạt 210.000 ha.
Đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Năm 2020, cả số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm 2019. Cả nước đã phát hiện 10.931 vụ vi phạm, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong năm qua, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.513ha (năm 2019 là 2.575 ha), giảm 1.062 ha tương ứng với 41%. Trong đó, cháy rừng 201 vụ - giảm 91 vụ so với 2019 tương ứng giảm 31%; diện tích thiệt hại là 674 ha - giảm 1.323 ha so với năm 2019; phá rừng 3.064 vụ, diện tích thiệt hại là 839 ha.
Khai thác lâm sản cùng là một điểm sáng của ngành khi năm 2020 khai thác khoảng 30 triệu m3 gỗ, đạt 105% kế hoạch năm, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến (trong đó: khai thác rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; khai thác gỗ cây vườn nhà, cây phân tán, gỗ cao su khoảng 9,5 triệu m3).
Trong năm 2020, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, song giá trị xuất khẩu lâm sản vẫn đạt khoảng 13,17 tỷ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019; Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019; Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỷ USD tăng 17,9% so với năm 2019
Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến hết năm 2020, cả nước thu được 2.566,86 tỷ đồng (trong đó Trung ương thu 1.604,7 tỷ đồng; địa phương thu 962,16 tỷ đồng)
Không để “đóng băng” rừng!
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh 3 cái khó của ngành lâm nghiệp trong năm 2020.
Thứ nhất, dịch Covid-19 đã khiến chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng trầm trọng đến các hoạt động logistics – đây là lĩnh vực mà ngành lâm nghiệp phụ thuộc rất lớn.
Thứ hai, trước sự biến đổi dị thường của thời tiêt, suốt từ tháng 4, nền nhiệt ở các tỉnh miền Trung ở mức cao. Thậm chí, huyện Con Cuông có nhiều ngày ghi nhận mức nhiệt độ trên 43 độ C, dẫn đến cháy rừng ở mức kinh khủng. Đặc biệt, cơn bão số 9 đổ bộ vào 6 tỉnh miền Trung vào cuối tháng 10 vừa qua khiến 149.000 ha rừng bị thiệt hại ở cấp độ khác nhau.
Thứ ba là cạnh tranh thương mại toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên 10% nên cạnh tranh quyết liệt, nhất là hai thị trường xuất khẩu mạnh nhất là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. “Tuy nhiên bằng sự vào và sự chỉ đạo quyết liệt, và quan trọng là khống chế được dịch bệnh COVID -19 của cả hệ thống chính trị thì mới có được thành quả trên. ..” - Bộ trường nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đặc biệt ghi nhận công tác hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của ngành lâm nghiệp. “Chúng tôi đánh giá rất cao văn bản pháp luật của khu vực này, từ luật được thông qua cho đến các nghị định, thông tư. Chất lượng cao, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, tham chiếu nhiều luồng ý kiến, trong đó có cả nước ngoài để đảm bảo hội nhập...” - Bộ trưởng biểu dương.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra các mặt tồn tại, nút thắt cần chú ý cho năm 2021 và thời gian tới.
Về độ che phủ rừng, theo Bộ trưởng, mặc dù tỷ lệ chung là 42% nhưng 3 khu vực trọng điểm chưa yên tâm. Đó là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển, với tổng diện tích 14,6 triệu ha. Trong đó, Tây Bắc độ che phủ chỉ 46%, Tây Nguyên 45%, đặc biệt rừng ven biển thâm thủng quá lớn và khả năng phục hồi chậm.
“Đây là 3 khu vực liên quan đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, phải đảm bảo bền vững cả về mặt địa hình. Do đó cần có chiến lược quy hoạch, đề án cho 3 vùng này!” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với đó, một loạt tồn tại cũng được tư lệnh ngành nông nghiệp chỉ ra như: Các định mức khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ và phát triển rừng chưa thỏa đáng; Cần tính toán thêm về cơ cấu rừng kinh tế, rừng trồng.
“Đến giờ phút này không thể phủ nhận cây keo, nhưng quá nhất thể cây keo cũng là vấn đề cần phân tích. Tới đây rừng kinh tế, rừng trồng phải tính toán thêm về cơ cấu, ví dụ như chuyển sang trồng lát, xoan…” - Bộ trưởng gợi ý.
Cùng với đó, tình trạng vi phạm lâm luật, phá rừng, cháy rừng, săn bắt thú rừng… là những tồn tại cần có giái pháp.
Bộ trưởng cũng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm đồ gỗ có bước tiến nhưng sản phẩm thô còn nhiều, DN chế biến sâu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa phổ quát, DN công nghiệp chế biến gỗ lại phân bố mất cân đối giữa các vùng. Lâm sản ngoài gỗ và kinh tế rừng chưa nhiều, chưa phản ánh đúng tiềm năng.
Đặc biệt, khu vực nông lâm trường vẫn còn 2 triệu ha rừng quản lý của 146 công ty, nên TCLN cần tham mưu đắc lực các địa phương để đưa ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển đúng tiềm năng …
Bộ trưởng cũng lưu ý, thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng còn rất ít. “Gần 2.600 tỷ đồng thu được trong năm 2020 chưa phải là to, chủ yếu là thủy điện, còn “ông” nước sạch, nước công nghiệp, nước cho nhu cầu khác... “ - Bộ trưởng lưu ý và cho rằng cần đánh giá các đối tượng bị ảnh hưởng, phân bổ cho phù hợp địa bàn, đối tượng, dân chủ và công bằng….
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Quốc hội rất ủng hộ xây dựng nhanh kế hoạch để tăng mức chi trả khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng rự nhiên… và đề nghị cần thúc đẩy ngay đề án phát triển môi trường rừng, phát triển dược liệu, trên cơ sở đó làm điểm, rút kinh nghiệm khai thác tiềm năng.
“Nhiều vườn quốc gia đẹp nhưng lại thu từ dịch vụ môi trường rừng vô cùng bé và bất cập, trong khi đây là nguồn thu rất lớn. Rừng phải giữ, nhưng rừng phải sống, chứ không phải rừng đóng băng!” - Bộ trưởng nhấn mạnh.