![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng về thể chế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Dương Giang) |
Nhiều địa phương chưa chủ động rà soát dự án khó khăn, tồn đọng
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay từ 8% trở lên và các năm tiếp theo hai con số, về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị cần tập trung hoàn thiện để tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để xử lý những vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm nhằm giải phóng những nguồn lực để chống lãng phí.
Về việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Bộ Chính trị đã có Kết luận 77 và Quốc hội vừa rồi có các Nghị quyết 170, 171, Chính phủ đã nhiều lần đôn đốc, có nhiều văn bản đôn đốc nhưng Bộ Tư pháp nhận thấy “còn nhiều địa phương chưa chủ động rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với những dự án tồn đọng”.
“Nếu địa phương chủ động hơn, chúng tôi nghĩ rằng sẽ được đẩy nhanh, sẽ được tháo gỡ và sẽ rất nhiều dự án được đi vào hoạt động, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.
Về việc đôn đốc để thúc đẩy tiến độ các dự án, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, không chỉ các dự án đầu tư công mà cả các dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng cần phải được quan tâm. Lâu nay, Chính phủ đã dành nhiều thời gian đôn đốc các dự án đầu tư công nhưng việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách cũng cần thiết vì có nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách đã có chủ trương, đã có quyết định hình thức đầu tư nhưng vẫn chưa đi vào thực hiện.
Cần nghiên cứu để có Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách
Nội dung thứ hai được Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề xuất là cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chính sách để sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với những dự án trọng điểm quan trọng của quốc gia đã có chủ trương như Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, các Bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động hơn trong việc nghiên cứu chính sách để nhanh chóng tạo thời gian pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Chúng tôi thấy rằng, đối với những vấn đề mới như thế này, một vấn đề hết sức quan trọng để có thể ban hành được văn bản quy phạm pháp luật là phải có nghiên cứu chính sách”. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, hiện nay, chúng ta còn bị động trong việc đưa ra chính sách.
Do vậy, “cần phải có một cơ chế để đẩy nhanh và chủ động hơn trong nghiên cứu chính sách. Có thể là việc thành lập hoặc nghiên cứu để có Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp, khi chính sách đã sẵn sàng rồi thì những vấn đề về mặt quy phạm hóa chính sách thành pháp luật sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2 |
Đề xuất sớm ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân
Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, xu hướng mới, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Chính phủ cần có chỉ đạo để sớm có hành lang pháp lý cho vấn đề tài sản số.
Đây là vấn đề rất quan trọng vì theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trên thực tế, chúng ta chưa có hành lang pháp lý về vấn đề này trong khi trên không gian mạng đã có giao dịch và chúng ta rất khó kiểm soát hay bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người giao dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cũng đề nghị rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương.
Theo quy định, đối với những lĩnh vực thí điểm, chúng ta phải sơ kết, tổng kết, sau đó mới được mở rộng áp dụng. Thế nhưng trên thực tế, có những cơ chế chính sách thí điểm đã được chứng minh, thậm chí là rõ, ví dụ như việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép sơ kết, tổng kết theo chuyên đề một số chính sách cơ bản đã thấy hiệu quả trên thực tế mà không phải đợi sơ kết, tổng kết cả nghị quyết đó để có thể nhanh chóng áp dụng cho các địa phương khác” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề xuất.
Cũng trong phần phát biểu trước Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2, một vấn đề rất mới được Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đồng tình và đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành là các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và phát triển doanh nghiệp dân tộc. “Bởi vì muốn phát triển, tăng trưởng hai con số thì bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, phải có sự tham gia của kinh tế tư nhân”.
Ngoài ra, về lĩnh vực tổ chức thi hành pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị cần phải đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội thông qua.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vừa thông qua đã có rất nhiều cơ chế để trao quyền chủ động cho địa phương, kể cả cho phép HĐND tỉnh có thể ban hành những cơ chế đặc thù và giao quyền cho các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
“Đề nghị lãnh đạo các tỉnh cần sớm triển khai và tổ chức tốt. Đồng thời tổ chức tốt Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước để trong quá trình sắp xếp này phải bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh” – Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh lưu ý.
Đồng thời, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng cần lưu tâm đổi mới việc phản ứng chính sách thông qua cơ chế lắng nghe ý kiến và hướng dẫn áp dụng pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức vì “Đây cũng là việc mới, nội dung mới được quy định trong Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị các địa phương quan tâm triển khai”.
Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên là thách thức, đòi hỏi quyết tâm lớn, nỗ lực cao và cần có tư duy, cách làm mới, sáng tạo, đột phá một cách toàn diện. Trong đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật phải được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định thể chế là “đột phá của đột phá” nhưng cũng đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Việc làm tốt các giải pháp tổng thể về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần đắc lực vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 mà Chính phủ đang dồn lực thực hiện.