Bỏ tử hình lo tội phạm vận chuyển ma túy sẽ lộng hành

(PLO) - Việc Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tách hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy” thành một tội danh độc lập (Điều 251 Dự thảo) và không qui định hình phạt tử hình đối với tội này đã nhận được nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội không đồng tình, lo ngại việc bỏ tử hình thì tội phạm vận chuyển ma túy sẽ lộng hành.
Phiên toà xét xử lưu động vụ án ma tuý tại phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng, Hải Phòng)
Phiên toà xét xử lưu động vụ án ma tuý tại phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng, Hải Phòng)
Theo Điều 194 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy đều được xử cùng một khung hình phạt tùy theo mức độ vi phạm và mức hình phạt cao nhất được áp dụng cho tội này là tử hình. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế cho thấy, đa số người vận chuyển ma túy là được thuê, lừa gạt, dụ dỗ đi vận chuyển, do đó  Dự thảo tách thành tội vận chuyển và không quy định hình phạt tử hình đối với tội danh này. 
Cho rằng việc tách tội phạm là cần thiết nhưng ông Tô Văn Tám – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum lại đề nghị xem xét lại việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy vì trong số các đối tượng vận chuyển ma túy vẫn có những kẻ chuyên nghiệp, hình thành những đường dây vận chuyển với khối lượng lớn như “vòi bạch tuộc”, chống đối kịch liệt các lực lượng phòng chống ma túy. 
Do vậy, cần qui định hình phạt tử hình đối với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy, song khi áp dụng có thể cân nhắc, xem xét các yếu tố giảm nhẹ khi lượng hình đối với người dân nghèo, người bị lừa gạt, dụ dỗ đi vận chuyển ma túy. Nếu không áp dụng hình phạt tử hình cho các đối tượng vận chuyển chuyên nghiệp thì không còn tính răn đe của pháp luật đối với tội phạm liên quan đến ma túy.
Đồng quan điểm, ông Lê Đông Phong - Phó Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị có thể cho phép hạn chế đối tượng phạm tội vận chuyển ma túy trái phép bị áp dụng hình phạt tử hình và nâng mức định lượng chất ma túy đối với khung hình phạt cao nhất. 
Ông Phạm Trường Dân – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cũng thể hiện sự quyết liệt trong quan điểm khi cho rằng: “Đây là loại tội phạm mà nếu chúng ta không có mức hình phạt cao nhất để răn đe thì chúng sẽ có điều kiện lộng hành. Khi đối tượng vi phạm trong điều luật này lộng hành thì hậu quả đối với xã hội rất lớn”.
Nhận định vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội rất nguy hiểm xảy ra phổ biến, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, đặc biệt lớn. Đối tượng phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy rất manh động và dùng vũ khí chống trả quyết liệt lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm, ông Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình  lo lắng: “Nếu không quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm này, tôi e rằng tội phạm sẽ lộng hành và coi thường pháp luật”.
Theo bà Trần Thị Dung, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ, vừa bảo đảm tính nhân đạo của Nhà nước ta với người phạm tội, đồng thời đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội như đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. 
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 đã thảo luận để bỏ hình phạt tử hình đối với tội này nhưng chưa nhận được sự đồng tình của ĐBQH. Trong bối cạnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khiến cuộc chiến chống ma túy luôn khốc liệt. “Vì vậy cá nhân tôi thấy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này” – ĐBQH của tỉnh Điện Biên đề nghị. 

Đọc thêm