Bộ Tư pháp đang nỗ lực cao nhất bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ được giao về sửa đổi Hiến pháp

(PLVN) Có 02 nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao là tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi Bộ Tư pháp và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã rất khẩn trương tiến hành các công việc nói trên. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh xung quanh các vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

PV: Thưa Thứ trưởng, xin bà cho biết việc tổ chức lấy ý kiến trong Bộ, ngành Tư pháp đã được tổ chức như thế nào?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, với tinh thần khẩn trương chủ động chuẩn bị từ sớm, trên cơ sở bám sát tiến độ, quy trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp đã sớm ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết.

Kế hoạch ban hành nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng, kịp thời các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình tham mưu, giúp Chính phủ chủ trì tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đồng thời, xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ, với yêu cầu bám sát tiến độ và yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc tổ chức thực hiện phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Kế hoạch ngày 05/5/2025 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Chính phủ đã có văn bản số 3883/VPCP-PL ngày 06/5/2025 về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã phân công trách nhiệm cho từng Bộ, ngành trong việc chỉ đạo, phổ biến, quán triệt và tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi bộ, ngành mình và xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của bộ, ngành chậm nhất là ngày 30 tháng 5 năm 2025 gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung.

Bộ Tư pháp được giao thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổng hợp các báo cáo kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dận các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổng hợp các báo cáo kết quả lấy ý kiến của các cơ quan (các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và báo cáo của Văn phòng Quốc hội (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội), Văn phòng Chính phủ (tổng hợp ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ), Bộ Công an (tổng hợp ý kiến của Nhân dân trên ứng dụng VNeID) để xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bồ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, là đầu mối theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thực hiện kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ngày 07/5/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ.

Tiếp đó, ngày 14/5/2025, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các chuyên gia, các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện 63 Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên cả nước.

Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 14/5/2025 vừa qua.Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 14/5/2025 vừa qua.

Hội nghị đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến rất tâm huyết từ đại diện các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, các chuyên gia hàng đầu, bảo đảm thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, có chất lượng đối với nhiệm vụ lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Tại Hội nghị, các ý kiến đã đóng góp đối với toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố, tập trung vào các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính, chính quyền địa phương.

Các ý kiến đóng góp đã được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết là hoạt động quan trọng, có tác động lớn đến kết quả công tác tổ chức lấy ý kiến, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai, Bộ Tư pháp đã chủ động tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự thảo Nghị quyết trong toàn ngành với nhiều hình thức, hiệu quả, thiết thực.

Các đơn vị thuộc Bộ đều tổ chức lấy ý kiến tập thể công chức, viên chức, người lao động của đơn vị đối với dự thảo Nghị quyết; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức lấy ý kiến sâu rộng tới giảng viên, học viên, sinh viên với các hình thức phong phú, đa dạng… Đồng thời, nghiêm túc triển khai đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành việc tham gia góp ý thông qua ứng dụng VNeID, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính dân chủ, khách quan.

Qua quá trình triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều thống nhất cao đối với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo các kết luận, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong đó, có việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số điều của Hiến pháp quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương là phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước

PV: Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đến nay công việc đã được tiến hành ra sao thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định thành lập Tổ công tác về nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bao gồm nhiều lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có kinh nghiệm và am hiểu về lĩnh vực này để tham gia xây dựng nội dung các Báo cáo.

Theo kế hoạch, chậm nhất đến 30/5/2025, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về Hiến pháp năm 2013 về Bộ Tư pháp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này (26/5/2025) mới duy nhất chỉ có Bộ Tư pháp hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức chưa hoàn thành khẩn trương tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả để kết quả lấy ý kiến thực sự phản ánh được trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng của đồng bào Nhân dân và các tầng lớp xã hội.

Ngoài ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương các cơ quan, tổ chức, số lượng người dân trực tiếp góp ý trên ứng dụng VNeID ngày càng tăng. Tính đến 20 giờ 00 ngày 26/5/2025 đã có khoảng 17.100.624 người dân tham gia góp ý.

Bộ Công an và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các bước góp ý trên ứng dụng VNeID, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Dự kiến trong vài ngày tới, số lượng người dân góp ý trên ứng dụng VNeID sẽ tăng đáng kể.

Với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

PV: Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm