Bộ Tư pháp đề xuất cắt giảm 43 điều kiện kinh doanh

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của Bộ.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy trong các lĩnh vực do Bộ quản lý không có nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, theo khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và các Luật chuyên ngành, Bộ Tư pháp đã xác định việc rà soát, đơn giản hóa các điều kiện được tập trung trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.

Kết quả rà soát cho thấy: Bộ Tư pháp có tổng số 99 điều kiện kinh doanh thuộc 7 lĩnh vực bổ trợ tư pháp gồm: hành nghề luật sư; hành nghề công chứng; hành nghề bán đấu giá tài sản; hành nghề quản tài viên; hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; hành nghề thừa phát lại; hành nghề giám định tư pháp.

Số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm: 43 (chiếm tỷ lệ 43,43%). Để thực thi phương án cắt, giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp đã rà soát và xác định các quy định cụ thể của một số luật, pháp lệnh, nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. 

Sau khi có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với báo cáo rà soát của Bộ Tư pháp về các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tư pháp và phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng các văn bản thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Các vấn đề liên quan đến điều kiện hành nghề trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đều được quy định trong các luật, nghị định chuyên ngành nên Bộ Tư pháp sẽ tiến hành lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định quy định các vấn đề liên quan đến điều kiện hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

Tại đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đó, sẽ đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng văn bản với hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đối với các quy định trong luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung để thực thi các phương án đã được Chính phủ phê duyệt mà chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định. 

Đọc thêm