Bộ Tư pháp đốc thúc Đồng Nai xử lý văn bản trái luật

Sau hơn 2 tháng, HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai “im hơi lặng tiếng”, không có thông báo gì về kết quả xử lý 6 văn bản “có dấu hiệu trái pháp luật”, sáng nay, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho biết, Cục đã phải có công văn “đốc thúc”.

Sau hơn 2 tháng, HĐND và UBND tỉnh Đồng Nai “im hơi lặng tiếng”, không có thông báo gì về kết quả xử lý 6 văn bản “có dấu hiệu trái pháp luật”, sáng nay, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho biết, Cục đã phải có công văn “đốc thúc”.

Trước đó, tháng 5, Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với UBND và kết luận về một số văn bản có nội dung trái pháp luật. Cụ thể là 1 Nghị quyết của HĐND và 5 Quyết định của UBND trên nhiều lĩnh vực: thu phí đấu giá tài sản, chế độ đãi ngộ ngành giáo dục, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các văn bản bị đánh giá hoặc qui định “ngược” với qui định của pháp luật hiện hành, hoặc qui định “không đúng thẩm quyền”.

Đây không phải là lần đầu tiên Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật phải đốc thúc, nhắc nhở các cơ quan, địa phương thực hiện nghĩa vụ “tự kiểm tra, xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật”. Thực tế, việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền luôn bị chậm chễ, thậm chí bị “tảng lờ” vì nhiều lý do. Trong đó, phải kể đến nguyên nhân do chế tài trong việc này còn chưa cụ thể, chưa thực sự “túm” được trách nhiệm cá nhân để việc xử lý văn bản bị “nhắc nhở” được nhanh chóng, kịp thời.

* Cùng ngày, ông Sơn cũng cho biết, Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật nhận thấy, qui định “cưỡng chế” đối với người đang sử dụng đất cố tình không “chấp hành thông báo kế hoạch khảo sát, đo đạc lập bản trích đo địa chính và kế hoạch kiểm đếm” như điều 28 Quyết định số 1467/2011/QĐ-UBND (ngày 27/4/2011) của UBND tỉnh Phú Thọ là “không có cơ sở pháp lý”.

Ngoài ra, văn bản này còn được qui định “có hiệu lực sau 3 ngày kể từ ngày ký ban hành là không phù hợp với pháp luật”. Bởi theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, văn bản có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Như vậy, về nguyên tắc, QĐ 1467 được ký ngày 27/4 thì sẽ có hiệu lực từ ngày 7/5 chứ không phải ngày 1/5 như Điều 2 của QĐ 1467.

H.Giang

Đọc thêm