Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Nghị quyết 41 xóa bỏ mọi rào cản để đội ngũ doanh nhân phát triển

(PLVN) - Nghị quyết số 41-NQ/TW đã khẳng định đội ngũ doanh nhân là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong phát triển nền kinh tế độc lập, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với tinh thần luôn dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, linh hoạt trong mọi tình huống, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã và đang góp phần định hình vị trí mới cho Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu là nhận định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng

Trong hơn hai thập kỷ qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sự ra đời của Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này.

Đặc biệt ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đó 12 năm.

Nghị quyết là bước phát triển mới về quan điểm, khẳng định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Đồng thời Nghị quyết đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu về xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

So sánh giữa Nghị quyết 09 và Nghị quyết 41, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, Nghị quyết 41 có những mục tiêu kế thừa từ Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Nghị quyết 41 xây dựng trên cơ sở căn cứ khảo sát tình hình doanh nghiệp hiện tại và các điều kiện, tình hình thay đổi, từ đó có các điểm mới đáng chú ý. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ lo làm ăn bình thường mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ( Ảnh minh họa)

Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ( Ảnh minh họa)

Nghị quyết 41 xác định rõ yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.

Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều tra PCI của VCCI cho thấy các doanh nghiệp đánh giá công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc tiếp cận thông tin, chính sách thuận lợi hơn, chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm, cải cách thủ tục hành chính phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể tiết giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là các chính sách lớn, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Việc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp đã trở thành hoạt động thường xuyên của không chỉ Thường trực Chính phủ mà cả lãnh đạo các ngành, các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực dẫn dắt

Sau gần 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự lớn mạnh vượt bậc với trên 930 nghìn doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn HTX. Lực lượng nòng cốt quản lý, điều hành các đơn vị kinh tế này là đội ngũ doanh nhân Việt Nam, hiện số lượng đã lên đến hàng triệu người.

Đánh giá đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp luôn dấn thân, dám đương đầu với khó khăn, thất bại, chủ động trong mọi tình huống, Chủ tịch VCCI khẳng định: “Chính sự lớn mạnh, dấn thân, cùng nỗ lực chung của đội ngũ này trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội. Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân không chỉ là làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, với tinh thần dân tộc, ý chí vươn lên, khát khao khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt, trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh không chỉ về lượng mà cả về chất. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đã hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực dẫn dắt trong một số lĩnh vực, có trình độ về công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu, đạt tầm khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đã thực hiện sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Các tập đoàn hàng đầu của nhà nước cũng như khu vực tư nhân đang cùng nhau khẳng định giá trị thương hiệu Việt trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, như Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến chuyển, sự phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được nhìn nhận cũng còn những hạn chế, khi phần lớn doanh nghiệp đang có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, trình độ công nghệ, kỹ năng quản trị còn yếu…

Để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, người đứng đầu VCCI cho rằng,hơn lúc nào hết cần xây dựng đội ngũ doanh nhân không chỉ đông và giỏi về năng lực lãnh đạo điều hành mà còn phải có đạo đức kinh doanh. Muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững thì phải có một hệ thống các doanh nghiệp bền vững. Muốn có các doanh nghiệp bền vững thì phải xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững, muốn có văn hóa kinh doanh bền vững thì phải có con người biết kinh doanh bền vững, con người muốn biết kinh doanh bền vững thì phải có đạo đức doanh nhân.

Chính vì vậy, Nghị quyết 41 đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và đây được coi coi là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam...

Với phương châm lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, các hoạt động của VCCI đã góp phần xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam.

Trước 7 nhóm nhiệm vụ mà nghị quyết 41 đề ra, người đứng đầu VCCI cam kết sẽ nỗ lực khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nhân dân. Đồng thời nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, hình thành những doanh nghiệp dân tộc, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc đóng góp vì một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Đọc thêm