Bộ Tư pháp khẳng định vai trò “đầu tàu" trong tổ chức lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013

(PLVN) -Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Bộ Tư pháp đã chủ động vào cuộc từ sớm, quyết liệt từ đầu,triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đến nay, các đơn vị thuộc Bộ và hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã hoàn tất việc tổng hợp ý kiến góp ý.
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 vào ngày 14/5/2025 vừa qua.
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 vào ngày 14/5/2025 vừa qua.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Công văn số 3883/VPCP-PL ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 2441/BTP-PLHSHC hướng dẫn việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Không chờ đợi, không chậm trễ, Bộ Tư pháp triển khai Kế hoạch từ rất sớm, bám sát tiến độ, quy trình sửa đổi Hiến pháp, thể hiện tinh thần làm việc khoa học, trách nhiệm và tiên phong.

Ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Lãnh đạo Chính phủ ban hành Kế hoạch, ngày 07/5/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch tới toàn thể đơn vị trực thuộc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến được Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm lan tỏa nội dung, tinh thần của dự thảo Nghị quyết tới toàn xã hội. Ngày 06/5/2025, Bộ đã tham mưu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương ban hành Công văn số 2459/HĐPH-PB&TG gửi các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hội đồng Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đến nay, đã có 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản truyền thông dự thảo Nghị quyết và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí thuộc Bộ như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến và đưa tin, phản ánh về quá trình lấy ý kiến, đăng tải toàn văn dự thảo và liên tục cập nhật các ý kiến, bài viết của giới chuyên gia, luật sư, nhà khoa học…

Chuyên mục được duy trì liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, với tần suất từ 2 - 3 bài viết mỗi ngày. Chuyên mục không chỉ là kênh tiếp nhận, phản ánh các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc của giới chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, các cơ quan bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, mà còn là diễn đàn chính luận để lan tỏa tư duy mới, cách tiếp cận mới về xây dựng và thi hành Hiến pháp trong bối cảnh cải cách toàn diện hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.

Đáng chú ý, 100% đơn vị thuộc Bộ đều tuyên truyền, phổ biến để các công chức, viên chức, người lao động của đơn vị tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hoặc gửi ý kiến bằng văn bản trực tiếp.

Nhằm huy động trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và dân chủ của các đối tượng tham gia lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, đại diện các bộ, ngành, địa phương, 63 Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự cả nước. Các đơn vị trong Bộ đồng loạt tổ chức lấy ý kiến nội bộ một cách công khai, khoa học, từ công chức, viên chức đến các học viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần gia tăng sự tham gia của người dân, tăng tính minh bạch và dân chủ trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Việc hoàn thành lấy ý kiến là tiền đề quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp, phân tích, báo cáo Chính phủ và Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, phục vụ quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết đã tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lan toả tinh thần trách nhiệm công dân trong phạm vi Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung, thể hiện rõ tinh thần cầu thị, dân chủ, tiếp thu ý kiến Nhân dân trong quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Việc tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch trong suốt quá trình triển khai lấy ý kiến đã khẳng định vai trò nòng cốt, quan trọng của Bộ Tư pháp trong tham mưu, giúp Chính phủ phối hợp với Quốc hội trong công tác lập hiến, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đọc thêm