Theo báo cáo tại cuộc họp, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 (thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 đi vào thực tiễn đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông; tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước. Việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ về cơ bản đã được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện và thu được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc. Cụ thể, nhiều quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa phù hợp và còn bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao; các hành vi vi phạm về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ…
Tại cuộc họp, bà Trần Thị Trang (đại diện Bộ Y tế) nêu ý kiến, hệ thống báo hiệu đường bộ nên được quy định trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bởi đây là những nội dung phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật này. Còn vấn đề đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức hệ thống giao thông như thế nào cho hợp lý và bảo đảm an toàn thì có thể đặt trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đề nghị Ban Soạn thảo phải rà soát để bổ sung các quy định để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, các quy định pháp luật cũng phải đảm bảo, xuyên suốt, nhất là khi hiện nay đang có sự giao thoa giữa hai dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ. Đề nghị nghiên cứu xem xét nội dung liên quan đến biển báo hiệu đường bộ, những hạng mục gắn với kết cấu hạ tầng giao thông.
Đối với việc quản lý người điều khiển phương tiện, cụ thể ở đây là đào tạo, cấp giấy phép lái xe, đề xuất giải pháp là thành lập một hội đồng chung, thống nhất giữa ngành giao thông và ngành công an, vì đây là vấn đề liên quan đến cả 2 Bộ.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng nên bổ sung quy định Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và các vụ tai nạn đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng.
Liên quan đến độ tuổi của người lái xe, đại diện đề nghị bổ sung Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an quy định về độ tuổi đào tạo và cấp giấy phép lái xe theo hạng cho hạ sĩ quan, binh sĩ phù hợp với quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân. Đồng thời đề nghị nghiên cứu thêm quy định của các quốc gia khác.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản bám kỹ các chính sách. Thứ trưởng nhấn mạnh sau cuộc họp này, cả Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cần rà soát kỹ lưỡng tất cả các điều khoản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Liên quan đến hệ thống báo hiệu đường bộ, Thứ trưởng đề nghị rà soát lại những nội dung được quy định trong cả hai dự thảo Luật, những vấn đề nào liên quan đến cả 2 Bộ thì phải phân định rõ Bộ nào chủ trì, Bộ nào phối hợp.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị rà soát lại nội dung, từ ngữ, tính tương thích với nội dung của các điều ước quốc tế; gia công thêm điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực tài chính, đảm bảo thi hành luật, xem xét kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động…