Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp chủ trì; đại diện Tổ công tác Đề án 06 (Bộ Công an); lãnh đạo Sở Tư pháp 5 tỉnh Bắc Trung bộ, Trường Cao đẳng luật miền Trung cùng dự.
Hội thảo được tổ chức nhằm rà soát văn bản QPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về các nội dung: kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phát hiện, xử lý các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; kết quả rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; nhận diện một số vấn đề qua công tác rà soát văn bản QPPL và một số giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc của pháp luật thông qua kết quả rà soát văn bản…
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp phát biểu tại hội thảo. |
Trình bày tham luận tại hội thảo, Bà Võ Thị Diệu Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình cho biết; Với những kết quả rà soát, được tổng hợp cho thấy các bộ, ngành đã cơ bản rà soát toàn diện văn bản trên các lĩnh vực quản lý, với khối lượng tương đối lớn; qua đó cho thấy quyết tâm cao của các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Võ Thị Diệu Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Bình trình bày tham luận tại hội thảo. |
“Trên cơ sở kết quả rà soát đã xác định được nội dung, quy định cần phải xử lý, đề nghị các bộ, ngành TƯ trên cơ sở các mục tiêu, yêu cầu trong Đề án 06 cần có lộ trình, phương án cụ thể để xử lý các văn bản, quy định. Quá trình xử lý cần rà soát, đối chiếu tổng thể với các quy định, nội dung khác có liên quan, nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình áp dụng”, bà Hương trình bày quan điểm.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao về cách làm, sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Đồng thời, các đại biểu đã đi vào lõi của từng quy định, quy phạm, không chỉ rà soát trên nội dung văn bản mà gắn liền với những vướng mắc, yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp kiến nghị, phản ánh…
Các đại biểu tham dự cũng đánh giá cao về cách làm, sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp. |
Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự. Theo đó, các Bộ ngành cần chủ động, tích cực tham mưu, kịp thời xử lý đối với các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp hoặc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xử lý theo thẩm quyền.
Đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo. |
Thời gian tới, Cục trưởng Hồ Quang Huy cho rằng, việc chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ đột phá chiến lược quan trọng và việc rà soát văn bản QPPL không chỉ phục vụ Đề án 06, mà còn phục vụ quá trình chuyển đổi số thành công, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện khung pháp lý phục vụ hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện kết quả rà soát, thống nhất phương án xử lý văn bản sau rà soát với tinh thần hết sức khẩn trương, hiệu quả, đáp ứng tiến độ, chất lượng rà soát, xử lý văn bản theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.