Tọa đàm “Một số định hướng hoàn thiện Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”

(PLVN) -  Chiều 23/5/2025 tại TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Một số định hướng hoàn thiện Luật Hoà giải ở cơ sở năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” do ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì. Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Văn phòng Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và lãnh đạo nhiều Sở Tư pháp, đoàn hội của các tỉnh phía Nam.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì buổi tọa đàm.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì buổi tọa đàm.

Sửa đổi đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Theo báo cáo dẫn đề của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (PBGDPL&TGPL), sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Hoà giải ở cơ sở (HGOCS) năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thi hành Luật HGOCS đã phát sinh vướng mắc, tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật HGOCS nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp).

Bà Tô Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp).

Theo đó, Cục PBGDPL&TGPL đã nghiên cứu một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật HGOCS nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các nội dung cụ thể, gồm: phạm vi điều chỉnh; phạm vi HGOCS; chính sách của Nhà nước về HGOCS và kinh phí cho công tác HGOCS; tiêu chuẩn, thủ tục bầu, công nhận hoà giải viên; quy định có liên quan đến tổ hoà giải; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác HGOCS.

Theo đánh giá của Cục PBGDPL&TGPL, trong nhiều điểm bất cập, đáng chú ý là quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở còn bó hẹp, chưa tạo điều kiện giải quyết nhanh các tranh chấp, mâu thuẫn nhằm giải phóng nguồn lực vào phát triển kinh tế. Đồng thời, chưa có cơ chế, thiết thực để huy động những người có uy tín, am hiểu pháp luật tham gia làm hòa giải viên; thu hút xã hội tham gia đóng góp, hỗ trợ cho công tác HGOCS. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, nhiều hình thức online, nhưng Luật HGOCS chưa quy định các hình thức tiến hành hòa giải.

Một điểm đáng chú ý là, một số quy định của Luật HGOCS hiện nay chưa tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật khác (như: Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...) cũng như chưa quy định trách nhiệm của Tòa án, quyền của các bên cũng như nghĩa vụ của hòa giải viên trong thực hiện thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

Nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn

Tại tọa đàm, nhiều tham luận của Sở Tư pháp các tỉnh, đoàn hội về định hướng hoàn thiện Luật HGOCS nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đã được báo cáo viên trình bày. Các tham luận đều tập trung mổ xẻ những hạn chế, bất cập trong Luật HGOCS 2013.

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tham dự và trình bày tham luận.

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tham dự và trình bày tham luận.

Ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực tiễn ở một số địa phương bầu hoà giải viên đa phần là tuổi đời quá cao (từ 50 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ trên 50%), có khi chưa tốt nghiệp trung học cơ sở nên việc cập nhật, nghiên cứu văn bản pháp luật còn hạn chế. Hoà giải viên tuổi nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động HGOCS còn nhiều khó khăn.

Từ thực tế đó, ông Phạm Văn Phong đề xuất, cần thực hiện đúng quy định công tác bầu hòa giải viên, đảm bảo lựa chọn những người có uy tín, có kiến thức pháp luật, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, có tinh thần trách nhiệm, khả năng vận động, thuyết phục.

Có một thực trạng khác trong tham luận của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho thấy, quy định của luật về phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa bao quát hết nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, quy định về phạm vi hòa giải vẫn còn chung chung, chưa đủ rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng trong thực tiễn áp dụng. Các khái niệm như “mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích công cộng”, hay “mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật” là chưa cụ thể, gây khó khăn trong việc xác định trường hợp nào thuộc phạm vi hòa giải được, trường hợp nào thì không. Ví dụ: quy định hòa giải các vụ tranh chấp nhỏ, nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành không nói rõ thế nào là nhỏ, nhất là tranh chấp liên quan đến đất đai, tranh chấp dân sự vay mượn tài sản... giá trị như thế nào là nhỏ? Hoặc tranh chấp liên quan các giao dịch về hụi, họ... dẫn đến lúng túng trong tiếp nhận, xác định thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không?

Về tiêu chuẩn hòa giải viên, theo đánh giá của tham luận Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau là còn chung chung, dẫn đến khó khăn trong lựa chọn người để bầu làm hòa giải viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiêu chuẩn bầu chọn hòa giải viên được quy định tại Điều 7 Luật HGOCS vẫn mang tính định tính, như “có uy tín trong cộng đồng dân cư”, “có hiểu biết pháp luật”, nhưng chưa có tiêu chí cụ thể định lượng tiêu chuẩn về trình độ học vấn, am hiểu pháp luật hoặc có chứng nhận bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, kinh nghiệm thực tế... Trong bối cảnh tranh chấp tại cộng đồng ngày càng đa dạng và phức tạp, việc chưa có tiêu chuẩn tối thiểu rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của công tác hòa giải. Bên cạnh đó chưa có quy định về miễn nhiệm đối với hòa giải viên nếu vi phạm đạo đức, không còn đáp ứng tiêu chuẩn hoặc không tham gia hoạt động trong thời gian bao lâu sẽ xem xét, đánh giá miễn nhiệm dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Về trình tự, thủ tục hòa giải, các bước tiến hành hòa giải cũng như thời gian thực hiện một vụ việc hòa giải cụ thể chưa quy định rõ ràng trong luật, theo bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau. Hiện nay, các quy định chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc khẳng định nguyên tắc, hình thức, và kết quả hòa giải, trong khi quy trình triển khai trên thực tế lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động, kinh nghiệm của hòa giải viên và hướng dẫn mang tính nội bộ.

Nhiều kiến nghị, đóng góp quý báu

Các tham luận đều thống nhất, việc sửa đổi, bổ sung Luật HGOCS nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn là yêu cầu cấp bách. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HGOCS cũng như công tác quản lý nhà nước về HGOCS, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

Trong đề xuất của mình, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Tháp Phạm Văn Phong kiến nghị mở rộng phạm vi HGOCS. Luật nên sửa đổi theo hướng xác định các tranh chấp về quyền sử dụng đất không thuộc phạm vi HGOCS. Thực tế hoạt động HGOCS thời gian qua cho thấy tranh chấp đất đai diễn ra rất phổ biến ở các địa phương, hơn nữa đất đai là loại tài sản có giá trị cao, việc giải quyết đòi hỏi phải là người có thẩm quyền, có kiến thức pháp luật và am hiểu về quản lý đất đai ở địa phương. Vì vậy hòa giải viên thường hòa giải không thành đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Thành viên tổ hoà giải cơ sở khu phố chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong công tác hòa giải thực tiễn.

Thành viên tổ hoà giải cơ sở khu phố chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong công tác hòa giải thực tiễn.

Đồng thời, ông Phạm Văn Phong cũng đề nghị bổ sung quy định trong Luật HGOCS về thời hạn tiến hành hòa giải từ lúc tiếp nhận vụ việc, giới hạn số lần hòa giải tối đa đối với các vụ, việc. Mặt khác, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện làm hoà giải viên (trình độ văn hóa, pháp luật, đạo đức…) và bầu cử hòa giải viên theo nhiệm kỳ cụ thể 03 năm hoặc 05 năm.

Nhiều đề xuất bổ sung chế độ, chính sách đối với hoà giải viên cũng được các ý kiến tham luận đưa ra (bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí…). Điều này nhằm khích lệ, thu hút những người có hiểu biết pháp luật, có uy tín, có kinh nghiệm tham gia hoà giải viên.

Bên cạnh đó, các đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong HGOCS cũng được đại biểu đóng góp tích cực, như: thí điểm mô hình “Hòa giải viên số”, trong đó Hòa giải viên có thể tư vấn, hỗ trợ trực tuyến qua các nền tảng như Zalo, Zoom… nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi số và tăng tốc khả năng tiếp cận vụ, việc. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa các vụ, việc hòa giải (bao gồm cả vụ việc hòa giải thành và không thành), tạo nguồn tư liệu phục vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đào tạo và nâng cao năng lực cho hòa giải viên.

Trong tham luận, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất mở rộng phạm vi HGOCS sẽ tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên, nhất là các hòa giải viên là luật sư, luật gia, người đã, đang công tác trong các cơ quan tư pháp có kinh nghiệm, trình độ giải quyết các vụ việc có tranh chấp, xung đột. Đây là lực lượng mà trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chính sách để thu hút tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở hoặc hỗ trợ cho công tác HGOCS và đang đóng góp tích cực cho công tác này.

Một điểm được nhiều đại biểu quan tâm là chế độ chi trả thù lao theo Thông tư số 56/2023/TT-BTC ngày 06/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác HGOCS. Các địa biểu đều cho rằng mức thù lao là thấp (mức chi 300.000 đồng/vụ việc hòa giải không thành; 400.000 đồng/vụ việc hòa giải thành) so với công sức, thời gian và trách nhiệm của hòa giải viên. Thực tế, các vụ việc hòa giải thường tiến hành nhiều buổi nên kéo dài, phát sinh chi phí đi lại và các chi phí liên quan khác. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đề nghị xem xét tăng mức chi trả thù lao cho các vụ việc được hòa giải, nhất là vụ việc hòa giải thành ở mức tối thiểu từ 700 ngàn - 1 triệu đồng/vụ việc; hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hòa giải viên trong quá trình thực hiện công việc như xăng xe, điện thoại… theo chế độ khoán hoặc chi phí thực tế. Cùng quan điểm, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị nâng mức chi thù lao cho HGVCS khi so sánh mức thù lao cho hòa giải viên tại tòa án từ 01 triệu – 1,5 triệu đồng (theo Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ).

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá, HGOCS là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án ngày càng được coi trọng và ưu tiên áp dụng. Đặc biệt, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã xác định: “Kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp; có giải pháp khuyến khích, phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án…”; “Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đã đánh giá cao những đóng góp của đại diện Sở Tư pháp các tỉnh, các hội đoàn và hòa giải viên. Các tham luận, ý kiến đã rất tâm huyết, thẳng thắn, bám sát vào nội dung của tọa đàm, các thông tin góp ý nhiều chiều, bổ ích cho Đoàn công tác.

Theo Báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật HGOCS, từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2023, cả nước tiếp nhận 1.364.806 vụ, việc hòa giải (trung bình 136.481 vụ, việc/năm), trong đó, hòa giải thành 1.096.572/1.350.533 vụ, việc đã tiến hành hòa giải (trung bình 109.657 vụ, việc/năm), đạt tỷ lệ 81,2%, riêng năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,13%.

Tính hết năm 2024, cả nước có 87.396 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 549.446 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 85,95%. Đến nay, hầu hết mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ.

Đọc thêm