Bọ xít hút máu người phát tán tại 20 tỉnh, thành Việt Nam

Các chuyên gia về côn trùng học khuyến cáo người dân khi bị bọ xít đốt không nên gãi để tránh nhiễm trùng, sưng tấy. Nếu vết bọ xít cắn sưng to, kèm theo sốt, người dân cần đi khám để được điều trị. Người dân nên chú ý dọn dẹp vệ sinh nơi sinh sống để tránh bọ xít làm tổ, phát tán.

Giáo sư Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, hiện nay, ổ bọ xít hút máu người đã phát tán tại 20 tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Huế.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo quốc tế về thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam diễn ra hôm nay, tại Hà Nội. Cũng theo giáo sư Côn, bọ xít hút máu người đã tồn tại từ rất lâu nhưng mới được phát hiện từ năm 2011.

Tham dự hội thảo, ông Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết thêm, những năm gần đây thông tin về bọ xít hút máu có xu hướng lan rộng và tấn công người tại nhiều nơi ở Việt Nam. Riêng ở Hà Nội, bọ xít hút máu người đã phát tán tại 21 quận, huyện đã làm nhiều người dân lo sợ.

Loại bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng.
Loại bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng.

Trình bày về những nghiên cứu của mình, ông Jean Pierre - Chuyên gia về côn trùng, Viện Nghiên cứu phát triển Pháp cho biết: Khi nghiên cứu tại Việt Nam, tôi nhận thấy tốc độ lan rộng của loài bọ xít này. Trước đây, nó thường xuất hiện ở các vùng ven bờ biển, nhưng ngày nó càng đi sâu vào đất liền và phát triển nhanh ở các vùng nhiệt đới.

Trong khi đó, tại châu Mỹ Latinh đang lan rộng một bệnh dịch mới mang tên Chagas – một căn bệnh nhiệt đới do ký sinh trùng truyền vào cơ thể con người. Vậy nên, tôi lo lắng rằng trước sự xuất hiện của loại bọ xít này, nguy cơ lan truyền bệnh dịch đó tại Việt Nam là dễ xảy ra qua con đường du lịch.

Theo giáo sư Côn, loại bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng tại khu vực Mỹ Latinh. Bệnh dịch này sau đó đã phát tán ra khỏi khu vực này từ nhiều thế kỷ trước và âm thầm phát tán trên toàn thế giới.

“Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người. Do vậy, câu hỏi loài vật này có truyền bệnh hay không vẫn là ẩn số,” giáo sư Côn nhận định.

Giáo sư Côn cũng cho biết, bọ xít hút máu người gây rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe. Nhưng có truyền bệnh hay không thì cần phải nghiên cứu, bởi các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người. Bên cạnh đó, người dân và nhiều nhà khoa học vẫn ít có kiến thức về loại ký sinh trùng này.

Tại hội thảo, các chuyên gia về côn trùng học khuyến cáo người dân khi bị bọ xít đốt không nên gãi để tránh nhiễm trùng, sưng tấy. Nếu vết bọ xít cắn sưng to, kèm theo sốt, người dân cần đi khám để được điều trị. Người dân nên chú ý dọn dẹp vệ sinh nơi sinh sống để tránh bọ xít làm tổ, phát tán.

Theo TTXVN

Đọc thêm