Bộ Y tế cảnh báo về những ca tử vong vì rét

 Không chỉ sưởi ấm với than tổ ong mới bị ngộ độc khí CO mà ngay khi sưởi ấm với than củi trong phòng kín cũng có thể gây ngộ độc.

Không chỉ sưởi ấm với than tổ ong mới bị ngộ độc khí CO mà ngay khi sưởi ấm với than củi trong phòng kín cũng có thể gây ngộ độc.

Năm nào cũng có bệnh nhân ngộ độc

Từ đầu mùa đông đến nay, Trung tâm chống độc của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chưa phải tiếp nhận một ca ngộ độc khí CO nào do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong trong phòng kín.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ các năm trước đây, thì năm nào trung tâm chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc khí CO, nhiều ca bị ngộ độc rất nặng với những biểu hiện như hôn mê, hơi thở yếu, nhiều ca còn bị bỏng rất nghiêm trọng vì sau khi ngất xỉu lại bị ngã vào bếp than…

Sưởi ấm bằng than củi cũng ẩn chứa nguy cơ bị ngộ độc. Ảnh: Thu Lý

Theo các bác sỹ, nguyên nhân được xác định là trong quá trình đốt than, khí CO hình thành do carbon trong than không được đốt cháy hết. Càng ở phòng kín thì nguy cơ ngộ độc khí CO càng tăng. Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó “bất thường” cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.Có thể kể đến trường hợp một bệnh nhân trú tại Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cuối năm 2007, gia đình bệnh nhân này đã mang bếp than vào phòng ngủ rộng chưa đến 8m2 để sưởi ấm. Nửa tiếng sau, con trai và chồng bệnh nhân tử vong tại chỗ, còn bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Bạch Mai trong trạng thái hôn mê sâu.

Dù được cứu sống nhưng hiện bệnh nhân này bị co giật thần kinh do di chứng để lại từ đợt nhiễm độc. Trong vòng 2 năm (từ 2007 đến 2009), trung tâm chống độc đã cấp cứu cho khoảng 30 ca bị ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng kín. Trong số đó, có không ít người được đưa đi cấp cứu khi đã bị nhiễm độc quá nặng.

Do cảnh báo tốt, nên từ 2009 đến nay, số ca bị ngộ độc khi sưởi ấm bằng than, củi có giảm, nhưng việc cảnh báo không bao giờ thừa khi vẫn có những trường hợp bị ngộ độc. Mới đây nhất (ngày 5/1/2011), tại Phú Yên, đã có trường hợp do sưởi ấm bằng than trong phòng kín mà cả nhà (gồm 4 người) ngất xỉu, hôn mê sâu, suýt chết nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Để tránh tai nạn trên, bác sĩ khuyến cáo không dùng các loại bếp than, củi, khí ga hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu, khí ga tại khu vực thiếu không khí. Các phòng, bếp cần có hệ thống thông khí đầy đủ. Khi phát hiện có người nhiễm độc, cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

Cảnh báo mùa rét

Để giảm thiểu tác hại do thời tiết diễn biến bất thường, rét đậm rét hại kéo dài gây rảnh hưởng xấu đối với tình hình sức khoẻ nhân dân, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ cần tổ chức tuyên truyền cho nhân dân tại địa phương về cách phòng chống rét đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em. Cụ thể: Phải đảm bảo nhà cửa được che chắn kỹ, chăn đệm phải đảm bảo đủ ấm, phải mặc quần áo đủ ấm trước khi đi ra ngoài. 

Bộ Y tế cũng cảnh báo nhân dân về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa; tử vong trẻ em do đèo xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm...

Các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi xếp hàng chờ khám, các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp cấp do các loai virut đường hô hấp gây ra do thời tiết rét đậm rét hại và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém.

Tại viện Lão khoa Quốc gia, số người già đến khám trong đợt rét này đã tăng vọt thêm khoảng 50% so với ngày thường, số người già nhập viện tăng 10%, trong đó có nhiều cụ phải cấp cứu. Các bệnh chủ yếu người già mắc phải là tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp…

Trời rét đậm cũng khiến các bệnh ngứa ngoài da, mề đay tăng mạnh. Trung tâm Miễn dịch và Dị ứng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết số bệnh nhân đến khám tăng khoảng 30%, nhất là các bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng thì gặp thời tiết lạnh bệnh sẽ tái phát mạnh.

Theo VietNamNet

Đọc thêm