VÌ CUỘC SỐNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành thực thi nghiêm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hướng tới Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5/2025) và Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Bộ Y tế mới có công văn gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, yêu cầu tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) và triển khai nghiêm túc các nội dung theo Chiến lược quốc gia đến năm 2030, cũng như Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: T.Hà).
Ảnh minh hoạ (Ảnh: T.Hà).

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong toàn bộ hệ thống cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc. Nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động hằng năm và quy chế nội bộ. Việc treo biển cấm hút thuốc và giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định tại nơi làm việc cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc.

Bên cạnh đó, các đơn vị được đề nghị tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, và đặc biệt là nội dung Nghị quyết số 173/2024/QH15 trong đó quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng kể từ ngày 1/1/2025.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc và các quy định pháp luật liên quan cũng cần được tổ chức thường xuyên. Các hành vi vi phạm, đặc biệt liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, cần được xử lý nghiêm theo quy định của Nghị quyết 173.

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng thiết thực như treo băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức mít tinh, hội thảo, hội nghị, các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá… phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.

Công văn của Bộ Y tế cũng nêu rõ chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2025 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là “Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo”, nhằm phơi bày chiến thuật của các tập đoàn thuốc lá trong việc quảng bá sai sự thật, gây hiểu lầm rằng thuốc lá là sản phẩm không gây hại, đặc biệt nhằm vào giới trẻ.

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất toàn cầu. Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó 1,3 triệu ca do hút thuốc thụ động.

Tại Việt Nam, với hơn 15 triệu người hút thuốc, số ca tử vong do thuốc lá ước tính lên tới hơn 100.000 mỗi năm. Theo Hội Kinh tế Y tế Việt Nam (2022), tổng chi phí y tế và tổn thất năng suất lao động do thuốc lá gây ra hàng năm lên đến 108 nghìn tỷ đồng, cao hơn 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá.

Sau hơn 10 năm triển khai Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, công tác PCTH thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên 13 - 15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới. Hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đang đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia đến năm 2030.

Nổi bật trong các thách thức là sự gia tăng nhanh chóng của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mặc dù các nhà sản xuất tuyên bố đây là sản phẩm “ít hại” và là giải pháp thay thế cho người không thể bỏ thuốc, thực tế cho thấy các sản phẩm này đang nhắm tới một lượng lớn người chưa từng hút thuốc bao gồm cả phụ nữ và trẻ em thông qua hương vị, mẫu mã bắt mắt và các hình thức quảng bá liên tục thay đổi, gây hiểu lầm rằng sản phẩm không gây hại.

Ngoài ra, giá thuốc lá tại Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Mức thuế thuốc lá tính trên giá bán lẻ chỉ đạt 36% - thấp hơn mức trung bình 59% của các nước có thu nhập trung bình, và cách xa khuyến nghị 75% của WHO. So với các nước ASEAN, mức thuế này cũng rất thấp (Thái Lan: 78,6%, Philippines: 71,3%, Singapore: 67,5%).

Theo WHO, Việt Nam đứng thứ 15 trong số 19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương về giá thuốc lá, gần mức thấp nhất. Giá rẻ khiến thuốc lá dễ dàng tiếp cận, đặc biệt với người có thu nhập thấp và trẻ em, làm tăng nguy cơ nghiện sớm và bệnh tật.

Đọc thêm