Bộ Y tế: Đề xuất điều kiện để trở lại trạng thái “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế lưu ý lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới tại các địa phương sẽ gồm 4 bước; thời điểm bắt đầu và tiến độ để kết thúc quay lại trạng thái bình thường mới do địa phương quyết định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng. Để hướng dẫn các địa phương từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế xây dựng “Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTG”.

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), trong hướng dẫn mà Bộ Xây dựng, tiêu chí tiên quyết và tiêu chí động là 2 căn cứ áp dụng với cấp tỉnh thành và cấp huyện khi trở lại lộ trình “bình thường mới”.

Với tiêu chí tiên quyết, địa phương cần tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 theo Quyết định 3979/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế. Cùng với đó số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi tỉnh thành được đánh giá nguy cơ rất cao. Còn với tiêu chí động, địa phương phải đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế lưu ý lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới tại các địa phương sẽ gồm 4 bước; thời điểm bắt đầu và tiến độ để kết thúc quay lại trạng thái bình thường mới do địa phương quyết định. Các tiêu chí động sẽ được đánh giá định kỳ ở tất cả các cấp (từ cấp xã đến huyện và tỉnh) để áp dụng các biện pháp y tế và hành chính phù hợp.

Theo Dự thảo của Bộ Y tế, có 4 bước thực hiện để địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội trở về trạng thái “bình thường” mới, gồm:

Bước 1: Trong thời gian địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, phải rà soát nguy cơ, tỷ lệ tiêm chủng và điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại cấp xã.

Bước 2: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt dưới 60%; mở các hoạt động ngoài trời với số lượng người hạn chế ở những nơi/hoạt động có lây nhiễm thấp và cho phép các hoạt động ở trong nhà có kiểm soát; những người đã tiêm vắc xin, đặc biệt những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế xã hội.

Bước 3: Áp dụng biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 19 với khu vực đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động, có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho người trên 18 tuổi đạt từ 60-70%. Mở thêm các hoạt động ngoài trời và một số dịch vụ hoạt động trong nhà với số lượng người hạn chế, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn; những người đã tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin cao, sẽ được ưu tiên khi tham gia giao thông và các hoạt động kinh tế xã hội.

Bước 4: Thực hiện các biện pháp phòng dịch chống dịch ở trạng thái bình thường mới khi địa phương đạt tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi đạt trên 70%.

Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các thành viên BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các bộ ngành và UBND TP HCM góp ý với lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các địa phương.

Đọc thêm