Mua vaccine trực tiếp của các nhà sản xuất
Tại họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có lượng vaccine cho người dân được sớm nhất, nhiều nhất, Chính phủ có chủ trương khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia tiếp cận vaccine bằng 2 cách. Cụ thể là đóng góp bằng tiền cho Quỹ vaccine và trực tiếp nhập khẩu từ nhà sản xuất đáng tin cậy.
Từ đó đặt ra vấn đề kiểm soát chất lượng vaccine trong bối cảnh vaccine được cấp phép khẩn cấp nên hiệu quả, phản ứng khi tiêm vaccine cần tích cực theo dõi. Ngoài ra, một số loại vaccine được bảo quản rất ngặt nghèo (như bảo quản ở -70 độ C thì chúng ta không có đủ điều kiện bảo quản) lại cấp phép trong tình trạng khẩn cấp nên kiểm soát chất lượng không theo điều kiện bình thường mà theo hướng chấp nhận một số tiêu chí do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành.
Do vậy, "chúng ta cần mua vaccine trực tiếp của các nhà sản xuất, không qua trung gian hoặc đơn vị do nhà sản xuất ủy quyền chính thức bằng văn bản để bảo đảm kiểm soát chất lượng" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Về tiến độ tiêm vaccine để có thể đạt miễn dịch cộng đồng (70-75% dân số từ 18 tuổi trở lên), ông Cường cho hay, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine. Cơ bản chúng ta đã tiếp cận được số lượng này nhưng khi nhập khẩu phải ký cam kết miễn trách nhiệm khi sự cố xảy ra và không giao hàng đúng tiến độ như có trường hợp, nhà sản xuất điều vaccine sang nước khác chứ không phải về Việt Nam. Bởi thế, tiến độ tiêm hoàn toàn phụ thuộc tiến độ cung ứng của nhà sản xuất và tình hình dịch bệnh trong nước.
Tuy nhiên, từ tháng 8 tới đây, tất cả nguồn vaccine mà chúng ta tiếp cận được sẽ về nhiều hơn như AstraZeneca cam kết đến cuối năm chuyển 30 triệu liều, cơ chế COVAX Facility cũng vậy. Ngày 2/6, Bộ trưởng Y tế đã họp với Nga và được cam kết dành cho 20 triệu liều…
AstraZeneca cam kết đến cuối năm chuyển 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam. |
"Tổng số đã được 150 triệu liều nhưng chúng ta phải lường trước khả năng không được cung cấp đúng tiến độ" - Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Đối với làn sóng dịch bệnh hiện nay, các khu công nghiệp khi xảy ra dịch bệnh đã lây nhiễm rất nhanh và trong đợt này, chủng mới đã lây qua không khí. Vì vậy, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo trước mắt tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch tại khu công nghiệp và chỉ đạo hướng dẫn cách phòng chống dịch, trong đó việc đeo khẩu trang là rất quan trọng, để hạn chế tối đa sự lây nhiễm cũng như môi trường làm việc, khu cách ly nhằm tránh lây nhiễm chéo.
Điển hình như TP HCM đã kịp thời chuẩn bị các khu cách ly, tiêm vaccine khi COVID-19 tấn công vào khu công nghiệp. Với cách làm quyết liệt này, Thứ trưởng Bộ Y tế hy vọng sẽ khống chế thành công đợt dịch hiện nay.
Số dư của Quỹ vaccine hiện là gần 104 tỷ đồng
Trước mối quan tâm về Quỹ vaccine chống COVID-19, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vaccine rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hàng năm.
"Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là chúng ta sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vaccine cho nhân dân" - Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ mua vaccine phòng COVID-19. Ảnh: VOV |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.
Liên quan đến huy động nguồn Quỹ, số dư của Quỹ hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào Quỹ. Ông Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh, "Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine.
Sắp tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine".
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm Bộ cũng đã làm việc với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan như Bộ TT&TT để ủng hộ Quỹ vaccine bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19.
"Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"