Bộ Y tế nhận 500.000 liều vaccine sởi, triển khai chiến dịch tiêm lần 3

(PLVN) - Để tiếp nhanh chóng kiểm soát dịch sởi, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3. Vaccine sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này là 500.000 liều vaccine chứa thành phần sởi do tập đoàn FPT tài trợ. Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay vaccine cho các địa phương để kịp thời triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng bệnh Sởi do hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu tài trợ. Ảnh: Bộ Y tế

Ngày 22/4/2025, Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine phòng bệnh Sởi do hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu tài trợ.

Tại buổi lễ tiếp nhận, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Mục tiêu của Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3 là 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi được tiêm 01 mũi vaccine chứa thành phần sởi”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các nhóm đối tượng triển khai của kế hoạch là: trẻ đủ 6 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 và trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, chưa được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng đợt 1, 2 năm 2025 tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra; trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao/rất cao chưa được tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi và trẻ chưa rõ tiền sử tiêm chủng, không rõ tiền sử mắc sởi.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ FPT Long Châu và mong muốn Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế trong triển khai công tác tiêm chủng tại Việt Nam. Số vaccine này sẽ được phân bổ ngay đến các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, góp phần kiểm soát dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại lễ trao tặng, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám Đốc Tập đoàn FPT bày tỏ: “Chúng tôi trân trọng trao tặng 500.000 liều vaccine sởi để đồng hành cùng Bộ Y tế trong chiến dịch tiêm chủng đợt 3. Chúng tôi kỳ vọng đóng góp này sẽ góp phần giúp tỷ lệ tiêm chủng hai liều vaccine phòng sởi vượt ngưỡng 95%, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ dịch lan rộng”.

Trước đó, Bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT ngày 21/4/2025 về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3. Vaccine sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này là 500.000 liều vaccine chứa thành phần sởi do tập đoàn FPT tài trợ, dự kiến với đợt phân bổ vaccine lần 1 sẽ hoàn thành tiêm chủng trước ngày 30/4/2025 và lần 2 trước ngày 15/5/2025. Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay vaccine cho các địa phương để kịp thời triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Trước cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới và thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh tại các địa phương, xác định tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất, cuối năm 2024 – đầu năm 2025, Bộ Y tế đã tổ chức 2 đợt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

Theo đó, chiến dịch năm 2024 kết quả đạt 97,1% và chiến dịch năm 2025 đợt 1 đạt 95,5%, với đối tượng triển khai ban đầu là trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi và nhóm nguy cơ cao, sau đó mở rộng thêm đối tượng triển khai là trẻ từ đủ 6 tháng đến 9 tháng tuổi tại vùng nguy cơ, vùng đang có ca sởi/dịch sởi xảy ra.

Ngày 15/03/2025, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 23/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch năm 2025 đợt 2 và đạt kết quả 96,4%, trong đó tiếp tục triển khai cho nhóm đối tượng là trẻ từ đủ 6 tháng đến 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi.

Kết quả sau khi triển khai các đợt tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, so với 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ mắc sởi đã bắt đầu giảm ở nhóm từ 1 tuổi đến 10 tuổi; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi, tuy nhiên đã tăng 6,4% ở nhóm trên 10 tuổi.

Đọc thêm