Lưu ý người dân khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả, thuốc giả, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nhận diện, không nên mua những sản phẩm thực phẩm có quảng cáo "thổi phồng" công dụng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cục An toàn thực phẩm cho biết, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/?page=Project.MedicalPrice.Home.MedicalPrice.Announcement.list#module9. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:

Tên sản phẩm; Ngày sản xuất, hạn sử dụng; Thành phần, thành phần định lượng; Định lượng; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng; Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe"; Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh". Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có). Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.

Bộ Y tế hướng dẫn nhận diện quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe "thổi phồng", vi phạm, không nên mua. Clip: Cục An toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn người tiêu dùng, khi xem quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh; hoặc có hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” là những nội dung quảng cáo vi phạm.

Các lưu ý dấu hiệu phân biệt vi phạm quảng cáo thực phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm.

Đọc thêm