Bóc mẽ thủ đoạn moi tiền của vị tổ trưởng có biệt tài 'chạy' chung cư

(PLO) -Nắm bắt nhu cầu cần nhà ở của người dân nhưng ngại làm các thủ tục, Trần Quang Hai (SN 1981, ngụ phòng 610, khu F, chung cư A2 Nam Cầu Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã lừa đảo một cách tinh vi khiến 52 nạn nhân sập bẫy.
Bị cáo Hai tại phiên tòa
Bị cáo Hai tại phiên tòa

Sau 1 năm làm rõ hành vi phạm pháp, trong hai ngày giữa tháng 6/2016 TAND TP.Đà Nẵng đã đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Hai và Hồ Văn Thương (SN 1977, ngụ phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) ra xét xử. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân.

Vị tổ trưởng “chém gió”

Hai quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Sau này, cha của gã làm bảo vệ cho 1 khách sạn ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) nên đã đưa cả gia đình nhập khẩu Đà Nẵng. Hai lập gia đình, có vợ đang công tác tại 1 bệnh viện của Đà Nẵng, nằm trong diện cán bộ công chức chưa có nhà ở.

Năm 2014, vợ Hai được bố trí về khu chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Khu vực này đa phần là dân thuộc diện giải tỏa đền bù. Sống xen giữa những gia đình nông dân mất đất, vợ chồng Hai với mác “cán bộ” rất được mọi người kính nể.

Bản thân Hai dù không có công ăn việc làm ổn định, nhưng biết lợi dụng “mác” của vợ để tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo. Hai giới thiệu, có bác làm ở Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng (nơi nhận hồ sơ xét duyệt thủ tục xin chung cư bước đầu) và “nổ” là bản thân cũng công tác tại đây. Chính vì thế ở khu chung cư, dù tuổi mới ngoài 30 nhưng Hai được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố.

Ngoài ra, Hai còn “nổi tiếng” nhờ… ngoại tình. Từ tháng 3/2015, Hai công khai qua lại với Võ Thị Huyền (SN 1982, hộ khẩu quận Sơn Trà), ngụ tầng trên của khu chung cư. Sở dĩ Huyền được nêu tên trong bài này vì ả còn có vai trò đồng phạm với Hai, CQĐT đã tách ra xử lý riêng.

Huyền có chồng, 2 con, nhận chung cư theo diện giải tỏa đền bù vào cùng thời điểm với gia đình Hai. Vụng trộm giữa Huyền và Hai bị chính vợ Hai phát giác, vụ việc làm “rùm beng” khiến cả khu phải ra can ngăn. Điều khiến mọi người lắc đầu ngao ngán và thường xuyên nhắc tới là Huyền không những không nhận ra hành vi sai trái của mình mà còn đi đánh ghen ngược với vợ của Hai. Tiếng xấu nhưng cũng nhờ đó mà Hai càng được nhiều người biết đến.

Với danh nghĩa mạo nhận như đã nêu, từ tháng 4/2014 đến 4/2015, vị tổ trưởng “nổ” với mọi người là có khả năng làm thủ tục thuê, mua nhà chung cư tại các khu chung cư do nhà nước quản lý trên địa bàn.

Hai hướng dẫn những người có nhu cầu thuê, mua căn hộ chung cư:

Nếu mua thì nộp hồ sơ cho Hai gồm: sổ hộ khẩu (đối với người có hộ khẩu TP. Đà Nẵng) hoặc sổ tạm trú (đối với người tạm trú tại Đà Nẵng 1 năm), CMND photocopy và 175 triệu đồng đến 255 triệu đồng tùy theo vị trí khu chung cư tầng cao hay thấp.

Trường hợp thuê nhà, phải có hộ khẩu tại TP. Đà Nẵng; hồ sơ nộp cho Hai gồm đơn xin thuê nhà chung cư có xác nhận của chính quyền địa phương, sổ hộ khẩu gia đình, CMND… Giá thuê một căn hộ chung cư từ 20 triệu đồng trở lên, muốn “chạy” tầng phải nộp thêm 10 triệu đồng đến 90 triệu đồng tùy theo cao thấp.

Những người đồng ý với những gì Hai nêu ra phải nộp tiền cọc cho Hai. Hai có viết giấy biên nhận và hẹn trong vòng 1 tháng sẽ giao căn hộ. Sau khi người có nhu cầu xin thuê, mua căn hộ nộp đủ số tiền thỏa thuận, Hai giao cho họ biên bản cam kết giao nhận nhà và có chữ ký tên của ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc BQL khu chung cư, đồng thời đóng dấu tròn của Công Quản lý nhà chung cư TP. Đà Nẵng.

Chính vì tỏ ra rất “bài bản” và chuyên nghiệp như trên nên Hai đã lấy được lòng tin của nhiều người dân. Theo cáo trạng cũng như kết quả điều tra, trong số 52 bị hại, có 21 người sử dụng các biên bản nói trên để dọn vào sinh sống tại các khu chung cư. Tổng số tiền Hai chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới hơn 2,1 tỷ đồng.

Lộ tội từ chính thủ đoạn quá tinh vi

Để phát hiện hành vi của Hai, từ đầu năm 2015, qua kiểm tra định kỳ, Công ty quản lý Nhà chung cư Đà Nẵng (Cty Chung cư Đà Nẵng), nhận thấy có sự chênh lệch đến 19 hộ ở tại nhà A2 Chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ. Ngoài ra, cán bộ quản lý còn nghe dư luận bàn tán, có người “chạy” được nhà chung cư và ký hợp đồng trực tiếp tại khu A2 này. Do thời điểm “năm hết, Tết đến”, đồng thời cần phanh phui vụ việc tận gốc, công ty đã âm thầm cử người theo dõi.

Một mặt, các bộ đến tận khu nhà, đếm đèn người dân thắp sáng, ghi nhận tên tuổi cụ thể, một mặt la cà cà phê để tìm hiểu. Thấy người có “hoàn cảnh đặc biệt” giống mình, bà Lê Thị Xinh, ông Nguyễn Hoàng Vân… (đều là những nạn nhân của Hai -PV) khi đó cũng vừa nhận chung cư A2 Nam Cầu Cẩm Lệ nhiệt tình tiết lộ đường đi nước bước. Theo bà Xinh, ông Vân hướng dẫn, cứ gặp Trần Quang Hai để được “lo liệu”.

Qua một thời gian theo dõi, cán bộ công ty biết được, để thực hiện hành vi, đối tượng Hai nhắm đến những chung cư còn trống mới bố trí ít người. Sau đó, Hai làm giả biên bản bàn giao nhà, cả con dấu, chữ ký giao nạn nhân đi làm thủ tục điện, nước, rồi về trình nhà trưởng (bảo vệ khu chung cư). Với chức năng và năng lực hạn chế, hễ hộ nào có đủ hồ sơ nêu trên, nhà trưởng cho vào ở mà không kiểm tra kỹ.

Đáng chú ý, trong tờ “biên bản cam kết”, phần đại diện công ty ghi tên ông Võ Ngọc Hạnh, quyền Trưởng phòng Quản lý chung cư (thực tế lúc đó ông Hạnh đã đảm nhận vị trí trưởng phòng), nhưng con dấu, chữ ký nháy lại mang tên Nguyễn Hữu Trác, Phó Giám đốc Công ty (thực tế ông Trác đã không ký nháy từ 1 năm trước).

Ngoài ra, “biên bản cam kết” giao nhận nhà chung cư theo quy định, Cty Chung cư Đà Nẵng chỉ cung cấp bản photo, sau đó đóng dấu đỏ lên chữ ký photo, để người dân đi làm hợp đồng điện, nước. Đằng này, đối tượng ký trực tiếp lên trên biên bản.

Chính từ sự “chỉnh chu” quá mức này của Hai, đã trở thành mấu chốt quan trọng để đưa đối tượng lừa đảo ra ánh sáng. Các đối tượng không chỉ nhắm vào các khu chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ mà ở cả khu 12 tầng Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cũng bị lừa. Ngoài ra, chung cư Phong Bắc và E2 Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) dù đang trong quá trình xây dựng vẫn được mang ra giao dịch.

Không chỉ làm giả hồ sơ, con dấu, chữ ký của Cty Chung cư Đà Nẵng, trong quá trình lừa đảo người dân, Hai và cộng sự còn làm giả cả phiếu báo của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà.Nẵng dưới hình thức photo lắp ghép trắng đen và giấy biên lai nhận tiền…

Một số giấy tờ bị làm giả
Một số giấy tờ bị làm giả 

Sau khi có chứng cứ đầy đủ nhưng do Hai bỏ trốn khiến công tác truy bắt phải lần tìm từ mọi manh mối có được. Thời điểm bị phát giác, Hai “bặt vô âm tín” nên Huyền trở thành đầu mối duy nhất. Vì còn 2 con nhỏ, cô gái này tuy bỏ đi cùng Hai nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với người thân.

Huyền cho biết, cùng Hai thuê phòng trọ, nhà nghỉ ở khu vực đường 2-9 (quận Hải Châu,TP.Đà Nẵng) để lưu trú. Trong vòng gần 1 tháng lẩn trốn, Hai chủ yếu ở trong phòng, ít khi ra ngoài, mọi ăn uống, sinh hoạt đều do bạn gái lo. Cuối tháng 5/2015, lực lượng công an sau khi biết chắc chắn nơi ở của cả 2 đã tiến hành bắt giữ Hai, đồng thời thu 1 bộ nữ trang bằng vàng và điện thoại đang sử dụng.

Bị cáo bác lại lời khai

Thời điểm bị bắt và truy tố, Hai khai, từ tháng 10/2004 đến tháng 5/2015, Hai kết hợp với Hồ Văn Thương (SN 1977, ngụ K184A/49-Trần Cao Vân, TP. Đà Nẵng) để lừa đảo. Ngoài ra, thấy Hai có nhà chung cư nên 52 người đã đưa hồ sơ và số tiền 2,1 tỉ đồng. Hai khai, số tiền này được chia đôi cho Thương.

Phần của mình, Hai tiêu xài, mua vàng tặng bạn gái và tổ chức 2 giải bóng chuyền cho khu chung cư, đến nay đã hết. Ngược lại với lời khai của Hai, Thương khai, chỉ giao dịch có 2 căn hộ cho bà Trần Thị Minh (người Hà Nội). Thương hành nghề môi giới đất đai. Thời gian gần đây, Thương có mua được bộ hồ sơ giải tỏa. Theo nguyên tắc, bộ hồ sơ này được sang tên 1 lần nên Thương bán lại cho Hai. Hai tiếp cận bà Minh, bán 560 triệu/căn và làm thủ tục giả đưa vào ở.

Như vậy, nhiều nội dung thể hiện ở lời khai tại các bút lục có trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rõ hành vi phạm tội của Hai. Tuy nhiên, trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 14/6, Hai đã một mực phủ nhận. Bị cáo cho rằng bị cáo không có ý định lừa đảo một ai trong số 52 người này.

Cụ thể, Hai cho rằng do được sự “chỉ dạy” của Thương, Hai chỉ người tiếp nhận hồ sơ từ những người có nhu cầu, sau đó nhận tiền và đưa cho Thương. Trong số tiền này, Hai chỉ được nhận 5 triệu đồng tiền môi giới/ 1 hồ sơ. Có nghĩa, trong 2,1 tỷ đồng nói trên, bị cáo chỉ nhận được khoảng 200 triệu đồng.

Chính vì vậy, bị cáo “lẻo mép” cho rằng việc VKS truy tố bị cáo theo khoản 4 Điều 193 BLHS là không đúng. Không chỉ vậy, bị cáo còn khăng khăng, Thương đứng đầu đường dây nhưng chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 193 BLHS là không thể chấp nhận được.

Lý giải cho lời mình nói, Hai cho rằng một mình bị cáo không có mối quan hệ quen biết nào làm sao có thể biết được chung cư nào còn chỗ, vị trí ở đâu… Hải cho rằng: “chỉ có Thương biết rõ và chỉ cho bị cáo biết để bị cáo nói lại với những người có nhu cầu mua mà thôi”.

Bị cáo khẳng định số tiền gần 1,8 tỷ đồng bị cáo đã đưa hết cho Thương, song quá trình giao nhận không có giấy tờ và không có ai chứng kiến. Bị cáo cũng khẳng định, bị cáo không hề lừa ai hết, kể cả việc giới thiệu mình làm ở đâu quen biết như thế nào, mà tất cả đều do những người môi giới sau này tự giới thiệu.

Trong vụ án này, cũng vì tin tưởng nên nhiều người sau khi nộp hồ sơ cho Hai, lại tiếp tục đi giới thiệu cho những người khác nhớ giúp đỡ. Và, mỗi trường hợp giới thiệu thành công Hai “lại quả” cho người đó 2 đến 3 triệu đồng. Cũng chính vì vậy, nạn nhân cứ nối tiếp nhau vướng vào “bể khổ”.

Qua xem xét, nhận thấy hành vi của Hai gây xôn xao dư luận, làm mất niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn nên cần phải được xử lý nghiêm minh. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hai mức án 16 năm tù, bị cáo Thương 10 tháng 9 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Buộc bị cáo Hai bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 52 bị hại.

Những phận nghèo không có chỗ

Do sự việc gây xôn xao dư luận nên phiên tòa thu hút rất đông người dự khán. Đặc biệt, phiên tòa còn có cả nước mắt của 52 nạn nhân.

Ngồi ở hàng ghế bị hại để nghe xét xử, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Phi (SN 1972, ngụ phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thi thoảng lại buông tiếng thở dài. Chị Phi cho biết, gần 1 năm nay, chị vẫn chưa tìm được nơi ở ổn định, trong khi tiền đã mất rất nhiều về tay Hai.

Chị Phi kể, mình vốn là nạn nhân thường xuyên bị chồng bạo hành, đánh đập. Chịu không được cảnh “địa ngục trần gian” chị chấp nhận li dị, 2 bàn tay trắng dắt con đi thuê chổ ở nhiều năm qua. Hằng ngày, chị vẫn buôn bán ở khu chợ Hòa Cường.

Tuy có được đồng ra đồng vào, nuôi con ăn học nhưng để mua căn nhà với chị quá xa xỉ. Chị Phi từng làm đơn và được được UBND phường Hòa Cường Nam xác nhận đơn thân nuôi con, đủ điều kiện ưu tiên thuê căn hộ chung cư của thành phố. Thế nhưng, Sở LĐ-TB&XH TP.Đà Nẵng nhận đơn và tháng 7/2014 trả lời, trường hợp của chị Phi rơi vào diện ưu tiên 2, nghĩ là không thuộc hộ nghèo, chờ xét sau.

Hiểu cuộc sống chị Phi, một số người nôn nóng giới thiệu gặp Trần Quang Hai. Sau khi vay mượn 2 lần để giao 50 triệu “trà nước” cho Hai, tháng 12/2014, chị được giao chìa khóa vào ở. Để cảm ơn Hai, chị Phi còn nhiều lần quà cáp riêng và không hề hình dung được là, 4 tháng sau lại bị mời ra khỏi nơi ở.

Tương tự như chị Phi, cô gái Nguyễn Thị Hồng (SN 1989, ngụ Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đơn thân nuôi 2 con khi còn rất trẻ. Chồng bỏ, Hồng đi làm thuê khắp nơi. Vì chữ nghĩa ít, lại không có thời gian nên Hồng không biết làm cách nào để tiếp cận chính sách cấp nhà chung cư của thành phố.

Thời điểm cuối năm 2014, thấy Hồng cực khổ quá, người thân mới dò hỏi và biết đến Hai. Do chưa từng gửi đơn lên Sở LĐ-TB&XH nên Hồng buộc phải chung chi cho Hai đến 85 triệu. Hồng cho biết, 1 năm nay, số tiền gốc 85 triệu, hàng tháng cô vẫn bị chủ cho vay réo đòi lãi.

Đưa tiền xong, Hồng có căn hộ ở dạng thuê hằng tháng, chưa kịp mừng và chưa tới ngày nhận hợp đồng, Hồng biết mình bị lừa. Ngồi ở ghế bị hại, chị Hồng không mong muốn gì hơn là được nhận lại số tiền đã đưa cho Hai để trả tiền thuê nhà hiện tại.

Trao đổi sau phiên tòa, HĐXX mong muốn, có thể thông qua bài báo để chuyển tải lời cảnh tỉnh đến nhiều người, cần hiểu biết để đừng tự đẩy mình vào những hệ lụy đáng tiếc đã nêu. Thực tế, dù đối tượng có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, nhưng mọi thủ tục đều phải được tiến hành tại Công ty quản lý NCC mới có giá trị pháp lý.

Đọc thêm