‘Bốc thuốc, kê đơn’ cho căn bệnh ‘sợ trách nhiệm’

(PLVN) -  Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Quang cảnh phiên họp sáng 31/5.

Thảo luận ở hội trường, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cho biết, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đang diễn ra với sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước về những việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà còn là yêu cầu phải khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật; là tính cấp thiết phải vượt qua được căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.

Theo Đại biểu Đặng Xuân Phương, điều cấp bách và thuyết phục nhất lúc này chính là đường lối giải quyết đúng đắn bài toán kinh tế của đất nước. Làm sao để việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã vừa có giải pháp nhanh chóng để phòng chống và chấm dứt dịch bệnh COVID-19; dự báo sớm về tình hình kinh tế, thu hút các dòng vốn để ổn định kinh tế - xã hội...

Bên cạnh đó, Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt được kỳ vọng; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tội phạm công nghệ cao; căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ...

ĐBQH Trần Quốc Tuấn.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Đại biểu Tuấn cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Đồng tình với Chính phủ về nội dung hạn chế đã nêu trong Báo cáo nhưng Đại biểu đặt câu hỏi tại sao trước đây không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.

Theo Đại biểu, có hai nhóm cán bộ. Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Phân tích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và sợ vi phạm pháp luật, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thể triển khai thực hiện được ngay.

Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, Đại biểu Tuấn cho rằng, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.

Đọc thêm