Cứ “thẳng hóa cong” kiểu gì cũng có giải?
Tiết mục giả gái thường kích thích trí tò mò của người xem về phần thể hiện của nghệ sĩ mà mình yêu thích, rằng nó sẽ như thế nào, có hài hước hay không, có giống hay không? Và, như bắt kịp với thị hiếu của khán giả, các show truyền hình càng ngày càng sử dụng chiêu trò giả gái để “câu” khán giả.
“Thời lượng” giả gái nhiều nhất có lẽ phải nhắc tới gameshow “Gương mặt thân quen”. Với format “bốc thăm”, chọn đúng nghệ sĩ nào thì nghệ sĩ đó thể hiện bất kể là nam hay nữ, “Gương mặt thân quen” “đẻ” ra hàng chục tiết mục giả gái. So với mùa đầu tiên diễn ra, “Gương mặt thân quen” 2014, 2015, có số lượng các màn chuyển giới nhiều hơn hẳn.
Nếu như ở mùa đầu tiên có tất cả 19 màn chuyển giới thì mùa sau, chương trình có đến 26 màn hóa thân thành nhân vật khác giới, số màn trình diễn buộc thí sinh nam phải “cong hóa” trên màn hình cũng tăng lên 5 lần so với mùa giải đầu tiên. Chỉ tính riêng thí sinh Thanh Duy, 12 đêm thi “Gương mặt thân quen” 2015 đã 9 lần giả gái. Đáng nói, tiết mục của Thanh Duy giả Long Nhật khiến không ít khán giả phản ứng.
Ai cũng biết Long Nhật bị người xem phản ứng rất nhiều vì “phong cách nữ tính” và chuyện lùm xùm liên quan đến giới tính. Chuyện nam ca sĩ này thường xuyên giả gái đã làm công chúng chán ngán. Nay Thanh Duy lại giả gái để diễn lại vai giả gái của Long Nhật là điều làm khán giả muốn… tắt ti vi. Trong các mùa, các “gương mặt” Hoài Lâm, Minh Thuận, Vương Khang, Chí Thiện, Khương Ngọc, Mai Quốc Việt, Ngô Kiến Huy... thi nhau giả gái.
Trong tiết mục mở màn “Ơn giời cậu đây rồi”, diễn viên hài Trấn Thành hóa thành nữ ca sĩ da màu Whitney Houston. Rồi Chí Tài biến thành công chúa để thử thách nghệ sĩ Phi Phụng. Đêm thi thứ 2 của chương trình “Cùng nhau toả sáng”, các nam thí sinh trong chương trình đồng loạt xuất hiện với hình ảnh… giả gái.
Trong “Cặp đôi hoàn hảo”, Bùi Anh Tuấn giả Mariah Carey, phá tướng lẫn chất giọng. Tiếp theo là nhà thiết kế Hà Duy hóa thành ca sĩ Phương Thanh với giọng hát cũng kinh khủng không kém. Thậm chí, nam người mẫu Minh Trung hóa thân thành người đẹp Miranda Kerr đầy phản cảm.
Người mẫu Minh Trung hóa thân thành người đẹp Miranda Kerr |
Trong Vietnam Idol 2010, một thí sinh nam giả nữ khi xuất hiện đã khiến khán giả chú ý với phần trang phục diêm dúa và quá lòe loẹt cùng điệu bộ lả lơi, uốn éo. Đến khi cất tiếng hát hai ca khúc “Ra ngõ tụng kinh” và “Vọng cổ teen”, thí sinh đặc biệt này đã nhanh chóng bị liệt vào hàng “thảm họa âm nhạc”. Cũng trên sân khấu Vietnam’s Got Talent 2012, thí sinh Hoàng Khắc Thìn hóa thân thành một người phụ nữ đang ru con với lời ru vô cùng não nề và khó hiểu.
“Cười xuyên Việt” cũng tận dụng chiêu trò giả gái. Những tiết mục được xem là tạo dấu ấn của sô này lại thường là những tiết mục có màn giả gái như “Tấm Cám”, “Kép Tư bền”, “Thằng Bờm”... Các thí sinh được nhắc đến nhiều của chương trình như Bửu Đa, Bảo Lâm, Văn Khoa, Thanh Vàng đều có vai giả gái. Đến mức, trên trang fanpage của chương trình là “Cười xuyên Việt” còn có cuộc thi “Miss Cười xuyên Việt Universe 2015” với “ứng cử viên” là bốn chàng trai này?!
Dường như các thí sinh “chuyển giới” càng nhiều trong chương trình càng dễ có cơ hội giành chiến thắng. Không biết vô tình hay hữu ý mà hầu hết kết quả của những màn giả gái hiện nay trong các chương trình truyền hình, giải trí đều đem lại chiến thắng cho “chủ nhân” của vai diễn. Ví như: Hoài Lâm, Thanh Duy đã chiến thắng ở 2 mùa “Gương mặt thân quen” với tiết mục giả gái. Nhiều khán giả băn khoăn: Cứ “thẳng hóa cong” kiểu gì sẽ có giải, sẽ được tán thưởng, sẽ được tôn vinh?
Mua vui được vài trống canh?
Gần như trong bất cứ chương trình hài, thi thố tài năng âm nhạc nào cũng có màn giả gái. Giả gái ngập tràn đến nỗi mỗi khi mở ti vi là thấy “thẳng thành cong”.
Từ người nổi tiếng đến kẻ “chân ướt chân ráo” mới vào nghề, chẳng cần biết đúng sai, hợp lý hay không hợp lý, các sản phẩm tung ra đều muốn mượn người đồng tính để “nâng tầm”. Họ đang muốn phủ lớp áo mới lạ lên tên tuổi nhạt nhòa của mình. Có vậy mới dễ lọt vào mắt xanh của bầu show. Các nam nghệ sĩ dường như xem việc ngồi hóa trang thành vai nữ với váy áo lụa là, giày cao gót và má phấn môi son là thách thức... đáng tự hào để vượt qua, là niềm vui cần được tận hưởng.
Một số nghệ sĩ trẻ còn cố tình chọc cười khán giả bằng các động tác, cử chỉ õng ẹo, ngả ngớn, đánh mông, chu môi, nói năng ỏn ẻn hoặc the thé, trang phục lòe loẹt, phát ngôn quá lố khiến cộng đồng giới tính thứ ba cảm thấy tổn thương. Chỉ vì mua vui, các nghệ sĩ đã làm méo mó, khoét sâu nỗi đau của những người yếu thế. Không một ai có thể chọn nơi sinh hay chọn cha mẹ, kể cả việc được quyền chọn lựa giới tính của mình. Nhưng dù là giới tính nào, tất cả đều được tôn trọng, giữ đúng giới tính, tránh những điều làm lệch lạc giới tính hay tổn thương người khác.
Sự quá đà trong việc giả gái của các nghệ sĩ đang khiến khán giả sợ không chỉ bởi sự phản cảm mà còn ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc về giới tính của không ít giới trẻ hiện nay. Trào lưu giả gái có thể làm vẩn đục đời sống văn hóa, góp phần cổ xúy cho lối sống lệch lạc chuẩn mực, lệch lạc thẩm mỹ, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Trào lưu “chuyển giới” trong các tiết mục gamshow có thể khiến một số người trẻ học theo, xem việc giả giới tính là bình thường hoặc coi “phi giới tính” là một thứ mốt. Và trẻ rất có khả năng ngộ nhận về giới tính thật của mình.
Việc “chuyển giới” ở các tiết mục gameshows chẳng khác nào nhà sản xuất vì món lợi trước mắt đã biến nghệ thuật thành thứ giải trí, mua vui tầm thường. Với sự ngán ngẩm, bất bình của khán giả, những “chiêu trò” này còn tồn tại được vài trống canh?