Bồi thường 18 tỉ USD vì "coi sông Amazon như "thùng rác"

Một toà phúc thẩm tại đất nước Nam Mỹ Ecuador bác đơn kháng án của Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron Corp trong nỗ lực đảo ngược phán quyết được đưa ra gần một năm trước đó. Như vậy, Tập đoàn này phải chịu bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả hoá chất tại lưu vực sông Amazon trong suốt hơn 20 năm.

Tháng 1/2012, một toà phúc thẩm tại đất nước Nam Mỹ Ecuador đã bác đơn kháng án của Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron Corp trong nỗ lực đảo ngược phán quyết được đưa ra gần một năm trước đó. Như vậy Tập đoàn này phải chịu bồi thường 18 tỷ USD vì hành vi xả hoá chất tại lưu vực sông Amazon trong suốt hơn 20 năm.

Đây cũng được coi là một trong những vụ kiện liên quan lĩnh vực môi trường rùm beng nhất lịch sử loài người.

Hậu quả của việc Chevron xả thải ra sông Amazon

Coi “nhà hàng xóm” như… bãi rác 

Theo bên nguyên, trong thời gian 20 năm (từ 1972 – 1992), Texaco là một công ty con của Chevron Corp đã xả trên 68 triệu lít vật liệu độc hại vào các hố đựng không có vách ngăn cũng như vào thẳng sông Amazon.
Công ty này còn áp dụng tiêu chuẩn nồng độ độc hại trên 1m3 chất thải cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn áp dụng tại Mỹ. Các chuyên gia cho rằng mức độ ô nhiễm mà công ty này gây ra có thể gấp 10 lần sự cố tràn dầu tại Vịnh Mêhicô diễn ra năm 2010. 
Về ảnh hưởng đối với sức khoẻ con người, theo các số liệu chính thức, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh ung thư bạch cầu tại khu vực Texaco hoạt động cao gấp 3 lần tỷ lệ ghi nhận được tại bất cứ nơi nào khác tại Ecuador. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao hơn tới 150%,  tỷ lệ sảy thai cao hơn 2,5 lần; trong khi các bệnh về hô hấp, tiêu hoá và bệnh ngoài da cũng cao hơn rõ rệt tại các khu vực có hoạt động hoá dầu.
Ước tính, Texaco đã tiết kiệm được 4,5 triệu USD trong giai đoạn nói trên nhờ việc xả các chất độc hại vào các hồ nông thay vì đổ vào các giếng chứa sâu như cách họ vẫn làm tại Mỹ. Điều này được minh chứng qua việc 98% các mẫu nước được người bản địa lấy tại lưu vực sông Amazon bị ảnh hưởng có mức độ ô nhiễm và độc tố vượt quá các giới hạn an toàn sức khoẻ.
Sự đa dạng sinh học là vốn quý nhất mà thiên nhiên ban cho vùng rừng rậm Amazon và cũng chính vì vậy mà vùng này được coi là “lá phổi” của hành tinh. Với những hành động xả thải trên, Texaco đã tàn phá nghiêm trọng “lá phổi” này, làm ô nhiễm một trong những dòng chảy chính của con sông Amazon chảy ra vùng rừng ở phía Đông Bắc Ecuador.
Trong suốt 26 năm ròng, Texaco đã vận hành 356 giếng dầu trong khu vực rộng lớn này, và với mỗi giếng dầu họ cho xây dựng nhiều hố chứa chất thải nhưng thực chất là những “bể bơi ngoài trời” không hề được bọc vách. Hệ quả là chất thải ngầm trực tiếp vào tầng đất mặt của khu vực Amazon.
Tập đoàn này này còn có 22 trạm sản xuất nơi dầu thô chưa chế biến, và nước được sử dụng trong quá trình sản xuất được đổ trực tiếp vào hệ thống sông, suối và đầm lầy nằm cạnh. Điều này tác động trực tiếp đến sinh kế của người bản địa bởi nó làm giảm sản lượng canh tác, số lượng vật nuôi được săn bắn cũng như nghề đánh cá của họ, từ đó khiến họ bị cưỡng ép phải di cư đến nơi khác. Không hiếm trường hợp đã tử vong vì những nguyên nhân chưa được xác định.
 

17 năm kiện tụng

Toà phúc thẩm thành phố Lago Agrio (thuộc tỉnh Sucumbíos ở phía Đông Ecuador) tuyên bố: "Chúng tôi quyết định giữ nguyên bản án mà toà sơ thẩm tuyến tháng 2/2011, bao gồm cả hình phạt bồi thường về mặt đạo đức và tinh thần”.
Bà Karen Hinton, phát ngôn viên cho các luật sư đại diện cho 30 ngàn thổ dân bản địa đồng thời là nguyên đơn trong vụ việc, nói: “Quyết định của một toà án phúc thẩm độc lập là sự khẳng định thêm một lần nữa về sự tham lam ghê gớm của Chevron cũng như hành vi phạm tội của tập đoàn này tại Ecuador”.
Còn Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa, tuyên bố ông “rất hài lòng" với phán quyết của toà và coi sự kiện này giống như cuộc chiến không cân sức giữa chàng David và gã khổng lồ Goliath trong Kinh thánh, nhưng rốt cuộc công lý đã chiến thắng.
Tập đoàn năng lượng có trụ sở đặt tại tiểu bang California trước đó đã kháng nghị bản án năm 2011 bởi họ cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm về lượng nước thải có chứa hoá chất độc hại được xả ra diện tích đất rừng trong khoảng thời gian từ năm 1972 - 1992 bởi Texaco, công ty mà Chevron đã mua lại năm 2001.
Trong thông cáo bằng email, Chevron cho rằng quyết định của toà án “là một ví dụ điển hình về sự chính trị hoá cũng như sự tham nhũng của hệ thống tư pháp Ecuador, những điều vốn đã đeo bám vụ việc này ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi không tin rằng bản án này có thể được thực thi tại bất cứ toà án nào tôn trọng sự thượng tôn pháp luật”. Cùng với tuyên bố này, Chevron khẳng định sẽ tiếp tục “kêu” đến các toà án khác nằm ngoài Ecuador.
Tại thời điểm bản án năm ngoái được đưa ra, vụ việc đã “chu du” hết từ toà này đến toà khác tại cả Mỹ và Ecuador trong suốt hơn 17 năm ròng rã. Bắt đầu được thụ lý tại Toà án liên bang của tiểu bang New York federal vào năm 1993 với bị đơn là công ty Texaco, nhưng 3 năm sau, vụ việc bị trả lại bởi bên bị cho rằng Ecuador mới là địa điểm phù hợp để tiến hành xét xử. Tại toà, Chevron lập luận rằng Texaco đã chi trên 40 triệu USD để làm sạch khu vực này trong những năm 90 của thế kỷ trước và còn ký kết một thoả thuận với Ecuador vào năm 1998, theo đó công ty này được giải trừ khỏi bất cứ trách nhiệm nào khác.
Tuy nhiên, hơn 30 ngàn người dân Ecuador thì lại nghĩ khác và kiên quyết đòi tập đoàn năng lượng này phải bồi thường cho vấn nạn ô nhiễm môi trường và các loại bệnh dịch bùng phát mà họ cáo buộc là do việc Texaco vận hành tổ hợp dầu lửa tại khu vực Amazon gây ra.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Dù đã được tuyên thắng án trên “sân nhà”, nhưng theo bên nguyên, khi xác định số tiền bồi thường, quan toà còn chưa tính tới các chi phí thuê chuyên gia chuẩn bị báo cáo thẩm định hay chi phí thu thập chứng cớ. Theo họ, ước tính số tiền bồi thường phải “tròm trèm” 26 tỷ đôla.
Đại diện bên nguyên bức xúc: “Việc nhượng quyền cho Chevron được khai thác dầu tại một khu vực có diện tích lớn hơn cả hai tỉnh Pichincha và Guayas trong nửa thế kỷ với giá một… con gà chết là món hời quá sức tưởng tượng cho tập đoàn tham lam này”.
Về phần mình, Chevron cũng không chịu kém khi đã đệ trình một thỉnh nghuyện thư yêu cầu “làm sáng tỏ một số vấn đề tại Toà án tỉnh Sucumbíos”, động thái này “giống như một đơn kháng án có hiệu lực hoãn thi hành bản án được tuyên”.
Tổng thống Ecuador trong khi đó tuyên bố chính phủ của ông không có bất cứ sự can thiệp nào vào bản án dành cho Chevron. "Tôi nghĩ thiệt hại mà Chevron gây ra cho vùng lưu vực sông Amazon là không thể chối cãi, và đơn giản là toà án Ecuador đã thực hiện công lý tại một đất nước có chủ quyền”.
Duy Quang