Thực trạng “bom nổ chậm”
Theo báo cáo của các Cảng vụ Hàng hải hiện nay, lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, dẫn tới hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển. Tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển Hải Phòng là 5,724 container, trong đó: Số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các Cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, cụ thể: tại Cảng Cát Lái là 3.464 container trong đó số container lưu bãi dưới 40 ngày là 595 container; số container lưu từ 30-90 ngày là 968 container; số container lưu quá 90 ngày là 2.068 container. Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
- Cảng biển khu vực thành phố Hải Phòng: hiện đang tồn đọng số container có thời hạn từ 30-90 ngày là 471 container; số container lưu quá 90 ngày là 1.005 container.
Hàng hóa phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển bao gồm: Phế liệu sắt, thép, giấy, nhựa, nhôm, đồng, phế liệu xỉ cát (xỉ hạt nhỏ)...
TS. Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đánh giá, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; chậm lưu thông hàng hóa; giảm dung lượng bãi chứa container; ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Không chỉ thế, container phế liệu nhập khẩu đã và đang thực sự là “bom nổ chậm” về môi trường.
Thử tìm nguyên nhân và bất cập
Từ cuối năm 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế gồm 08 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 04 loại phế liệu quặng và 01 loại phế liệu giấy…Do vậy, các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc u…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaixia…. Việt Nam vô hình chung trở thành một trong các “bãi rác” của các nước công nghiệp.
Container rác ở các cảng biển Việt Nam chưa “dừng lại”; bởi một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển.
Cần phải nói rằng, lâu nay công tác quản lý nhà nước “bỏ trống”, quên về nhập rác? Tham gia quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm nhiều Bộ và các cơ quan chuyên môn của địa phương; tuy nhiên, hiện nay chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trên thực tế, chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; giấy phép nhập khẩu phế liệu chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chủ tàu. Khi có vi phạm về vận chuyển hàng hóa thì không xử lý được trách nhiệm của chủ tàu. Tức là “hành lang pháp lý” như “container rỗng”. Mặc dù ngoài Luật Bảo vệ môi trường, hiện có đến 12 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu các doanh nghiệp. ”Rừng luật” nhưng kém hiệu quả và về trách nhiệm không biết xử lý như thế nào?
“Hiện nay định nghĩa về phế thải và phế liệu được quy định tương đối giống nhau, không có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với phế thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho Cơ quan hải quan trong việc so sánh, đối chiếu, xác định hàng hóa là phế liệu hay phế thải”, TS. Trịnh Thế Cường cho biết.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu (xin gọi chung là rác) thì vì lợi nhuận đã có rất nhiều mánh lới, thủ đoạn để đưa rác về Việt Nam.
Đi tìm lời giải?
Để tăng cường công tác quản lý về cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các Cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.
Theo đó, thời gian tới công tác quản lý Nhà nước tại cảng biển sẽ kiểm tra tàu thuyền vận chuyển hàng hóa nhập khẩu là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTG ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu phải thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Trường hợp cơ quan hải quan và cơ quan quản lý về môi trường xác định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì phối hợp với cơ quan hải quan và cơ quan đơn vị liên quan kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu buộc phải tái xuất các lô hàng vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan năm 2014.
“Nhiều khi doanh nghiệp chưa sợ thì nắm chưa đầy đủ luật pháp. Cục HHVN sẽ tổ chức phổ biến và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp vận tải biển, vận tải thủy nội địa và đường bộ liên quan’ TS. Trịnh Thế Cường chia sẻ.
Về phía các doanh nghiệp cảng biển tất nhiên phải chủ động phối hợp với cơ quan hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu, thường xuyên thống kê, phân loại và phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu, có kế hoạch xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển. Đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đến cảng chỉ được dỡ hàng hóa khỏi tàu khi hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng hàng xuất trình Giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và Văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể của khách hàng kèm Văn bản xác nhận ký quỹ cho cảng (nếu có).
Trường hợp lô hàng không có Giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực, hãng tàu và đại lý hãng tàu chuyển cảng dỡ hàng cho lô hàng này về cảng khác ở nước ngoài trước khi tàu cập cảng, tránh làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan, đây là một yêu cầu bắt buộc.
Trường hợp cần giải phóng hàng tồn đọng ra khỏi khu vực cảng tránh gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa tại cảng biển, doanh nghiệp cảng phải chủ động phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, đại lý hãng tàu và các bên liên quan kiến nghị cơ quan hải quan cho chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 30 ngày và các lô hàng lưu bãi trên 90 ngày (hàng hóa không có chứng từ hợp lệ, hàng tồn đọng) về các khu vực kho, bãi khác. Đồng thời, phải làm việc với cơ quan hải quan cho phép chủ hàng làm thủ tục thông quan nhận hàng trực tiếp tại các bến cảng này mà không phải đổi cảng đích trên vận đơn (B/L) và manifest không phải chuyển về cảng trong vận đơn.
Trong trường hợp doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ tại cảng biển thuộc địa bàn quản lý thì sao? TS. Trịnh Thế Cường cho biết, họ phải đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng đối với các doanh nghiệp đã có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu, giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu và Văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan hàng hóa.
Hãng tàu hoặc đại lý có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin tên hàng hóa, mã hàng hóa trong danh sách hàng hóa dỡ khỏi tàu cho doanh nghiệp cảng biển; phải khai rõ thông tin tên hàng, cảng đích đến trên vận đơn và trên hệ thống tiếp nhập thông tin điện tử (manifest).
“Trường hợp chỉnh sửa tên hàng hóa mà hàng hóa không nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ) thì hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu buộc phải vận chuyển hàng hóa đã dỡ từ tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh liên quan”, TS. Cường khẳng định!