Thủ đoạn không mới
Đầu tháng 8/2016, qua mạng xã hội Facebook, chị Hồ Thị Ánh Nguyệt (SN 1985, trú TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) quen với một người nước ngoài tên là Allen Walter. Sau khi kết bạn với nhau, Nguyệt và người bạn Tây thường xuyên trao đổi thông tin với nhau qua phần mềm Whatapp. Vốn là giáo viên ngoại ngữ nên chỉ trong thời gian ngắn, hai người tỏ ra khá gần gũi, thân thiết.
Khoảng đầu năm 2017, Allen Walter nói với chị Nguyệt rằng muốn tặng cho chị món quà để làm kỷ niệm, chị Nguyệt đồng ý và cho địa chỉ của mình tại TP. Tam Kỳ. Theo lời Allen Walter, quà của anh ta gửi về sẽ gồm dây chuyền, điện thoại di động đắt tiền. Chị Nguyệt rất vui sướng và chờ đợi món quà của người bạn Tây.
Ngày 1/2/2017, có một người phụ nữ xưng tên Đỗ Tuyết Trần, giới thiệu là nhân viên công ty chuyển quà tại Việt Nam điện thoại cho chị Nguyệt. Bà Trần hỏi chị Nguyệt có quen ai tên Allen Walter không, chị Nguyệt trả lời có.
Sau đó, bà Trần thông báo Allen Walter có gửi cho chị Nguyệt một gói quà và yêu cầu chị Nguyệt chuyển tiền đóng phí nhận hàng là 42,1 triệu đồng vào tài khoản mà bà Trần cung cấp. Ngày 2/2/2017, chị Nguyệt chuyển đủ 42,1 triệu đồng theo yêu cầu của bà Trần và chờ đợi món quà từ trời Tây gửi về.
Tuy nhiên, sau đó vài ngày, bà Trần tiếp tục gọi điện cho chị Nguyệt báo tin rằng do kiện hàng của bạn trai chị Nguyệt có kèm theo số tiền 50.000 USD nên bị phạt, vì theo quy định tiền phải được chuyển và tính phí riêng. Bà Trần yêu cầu chị Nguyệt phải đóng tiền phạt là 129 triệu đồng để nhận hàng.
Để kiểm tra lời của nhân viên công ty chuyển quà, chị Nguyệt liên lạc với bạn trai Allen Walter và được Allen Walter xác nhận đúng như lời nhân viên công ty chuyển quà nói. Allen Walter động viên chị Nguyệt cứ thực hiện theo yêu cầu của bà Trần để nhận quà, vì số tiền bỏ ra nhỏ so với số tiền và quà Allen Walter gửi về.
Thấy lời bạn Tây nói có lý, chị Nguyệt vui vẻ chuyển số tiền 129 triệu đồng vào tài khoản mà bà Trần cung cấp. Thế nhưng mọi việc vẫn chưa suôn sẻ, vài ngày sau đó, bà Trần tiếp tục gọi điện nói rằng quà của Allen Walter có giá trị lớn nên công ty của chị ta yêu cầu người nhận quà phải đóng bảo hiểm theo quy định.
Chị Nguyệt hỏi đóng bảo hiểm là bao nhiêu, bà Trần trả lời là 170 triệu đồng. Thấy số tiền lớn, chị Nguyệt do dự, tuy nhiên chị lại nghĩ đến món quà hơn 1 tỷ đồng mà chị sẽ nhận được nên tiếp tục móc hầu bao chuyển thêm 170 triệu đồng vào tài khoản của bà Trần.
Trong lúc chị Nguyệt đang nóng lòng nhận quà của bạn Tây thì một người đàn ông điện thoại cho chị Nguyệt từ Malaysia. Người này tự xưng là nhân viên Ngân hàng SED BANK, thông báo rằng chị Nguyệt được tạo một tài khoản trực tuyến có số tiền là 500.000USD. Ngay sau đó, thông tin trên được gửi qua email cho chị Nguyệt. Cũng theo email này, chị Nguyệt phải đóng 6% tiền thuế (tương đương 240 triệu đồng) mới nhận được mã hoạt động của tài khoản.
“Đâm lao thì phải theo lao”, một lần nữa, chị Nguyệt lại chuyển 240 triệu đồng và tài khoản mà "ngân hàng SED BANK" thông báo. Sau khi chuyển tiền, chị Nguyệt nhận được mã hoạt động của tài khoản trực tuyến. Thế nhưng khi chị Nguyệt đăng nhập vào tài khoản trực tuyến thì hệ thống thông báo phải có mã hoạt động cá nhân thì mới vào được tài khoản. Nghi ngờ mình bị lừa, chị Nguyệt gửi đơn đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam để tố cáo.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú (SN 1980, trú TP.Hội An, Quảng Nam) cũng có một người bạn tên là Frank Williams, quốc tịch Anh. Chị Tú quen biết Frank qua mạng xã hội. Sau khi có tình cảm với nhau, Frank ngỏ lời tặng quà cho chị Tú và anh bạn Tây thông báo đã gửi cho chị Tú kiện hàng là vải kèm theo 20.000 bảng Anh.
Nhờ cảnh giác nên nhiều người thoát bẫy của trai Tây. |
Không lâu sau đó, chị Tú nhận được điện thoại của Frank báo tin hàng vải đã về tới Sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng không đúng thủ tục nên phải có tài sản bảo lãnh mới được nhận quà. Theo lời Frank, chị Tú đã chuyển 3 lần tiền vào tài khoản mang tên Tôn Thị Kim Hoa với số tiền 187 triệu đồng để bảo lãnh gói hàng. Sau khi chuyển tiền xong, chị Tú chờ mãi vẫn không thấy quà đâu. Đến lúc này, chị mới hay mình đã bị lừa.
Cùng số phận như 2 nạn nhân trên, chị Trần Thị Minh Hải (SN 1978, trú tại TP.Hội An) được người bạn ngoại quốc tên là Michael Peter, quốc tịch Mỹ thông báo gửi tặng một món quà có giá trị lớn. Để nhận được bưu phẩm này, chị Hải đã chuyển vào tài khoản do Michael Peter cung cấp là 1.100 USD. Sau đó, người bạn ngoại quốc tiếp tục yêu cầu chị Hải gửi tiếp 2.500 USD nữa để "đóng phí". Đến lúc này, chị Hải nghi ngờ nên không chuyển tiền và làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Ngoài 3 nạn nhân trên, còn có nạn nhân Thân Thị Bích Hằng (SN 1988, trú TX.Điện Bàn, Quảng Nam, làm việc tại TP.Đà Nẵng) cũng bị bạn Tây lừa 3.800 USD với thủ đoạn tương tự.
Được biết, đã có nhiều nạn nhân bị lừa bởi chiêu bài "tặng quà", trong đó có không ít nạn nhân bị thiệt hại số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Năm 2016, Phòng cảnh sát Kinh tế và Chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bắt 7 đối tượng, trong đó, Ihugba Augustine Chinonso (30 tuổi) và Onu Chinoso Peter (31 tuổi, cùng quốc tịch Nigeria) là người cầm đầu.
Tại tỉnh Quảng Nam, những trường hợp trên là những nạn nhân được "tặng quà" đầu tiên đến cơ quan công an trình báo. Ngày 17/4/2017, Giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát các vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn và triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Tỉnh táo để tránh bị lừa
Theo một trinh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, những chiêu trò lừa đảo qua mạng thường đánh vào sự nhẹ dạ và lòng tham của các nạn nhân. Sau nhiều tháng trò chuyện và chiếm được cảm tình của bị hại, đối tượng thông báo sẽ gửi tặng các đồ vật có giá trị như tiền, dây chuyền, ĐTDĐ... thông qua chuyển phát nhanh theo đường hàng không.
Để “con mồi” sập bẫy, các đối tượng đã nghiên cứu kỹ lưỡng lịch trình các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan tại cửa khẩu. Đồng bọn của chúng sẽ giả danh công ty chuyển phát quà, nhân viên hải quan, cơ quan thuế, nhân viên sân bay… để gọi điện thông báo lô hàng đang bị tạm giữ rồi đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu bị hại phải nộp các khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp mới nhận được lô hàng.
Để tránh bị lừa bởi trò kết bạn và tặng quà qua mạng, các chuyên gia về công nghệ thông tin lưu ý, những người kết bạn cần kiểm tra kỹ thông tin của người bạn mới trên Facebook, bao gồm: Thông tin cá nhân, hình ảnh đại diện, album ảnh, số lượt “like” và “comment” của bạn bè trong Friend List của người đó.
Những đối tượng tình nghi người Nigeria và người Việt Nam trong đường dây lừa đảo với quy mô lớn. |
Facebook cá nhân của các đối tượng này thường không có ảnh đại diện hoặc ảnh lấy trên mạng, ảnh nhận được rất ít bình luận. Ngoài ra cần phải chú đến những dấu hiệu đặc biệt đó là, những kẻ lừa đảo thường không bao giờ cho bạn kết nối webcam mà chỉ gửi ảnh, ảnh có dung lượng rất thấp, không thể phóng to ra. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy cách nói chuyện của những người này rất mâu thuẫn.
Họ thường không nhớ mình đã nói gì. Chỉ cần lật lại một số vấn đề nhỏ, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra sự giả dối. Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần phải hết sức cảnh giác khi được những người quen qua mạng hứa tặng quà. Nếu là nạn nhân của những thủ đoạn trên thì hãy báo ngay tới cơ quan công an gần nhất để họ vào cuộc điều tra, xử lý.
* Tên các nạn nhân đã được thay đổi.