Bóng hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng/ Sao bóng hoa trên tường lại đen…”. Không biết khi viết nên những vần thơ này, nhà thơ có nghĩ đến một kiếp đàn bà không. Chắc là không mà cũng có thể có, khó đoán được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ biết rằng, tuy nói về hoa đấy, nói về sắc trắng tinh khôi đấy, nhưng chỉ thấy ẩn hiện trong đó biết bao nỗi buồn của thân phận con người, của số kiếp. Hoa chỉ tươi một ngày, nhưng bóng hoa ám ảnh cả đời.

Chiều muộn. Trước cửa hàng hoa, người phụ nữ đứng tần ngần. Chị tầm trung tuổi, có thân hình khắc khổ và nét mặt của tuýp người biết đến nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Khẽ so vai trong chiếc áo khoác mỏng cũ sờn, không biết vì trời lạnh hay do ngại vì lần đầu tiên mua hoa ở cửa hàng trông có vẻ sang trọng thế này, chị cất tiếng dè dặt hỏi: “Em gì ơi, bó hoa này bao nhiêu tiền”. Sau câu nói chị chỉ vào bó hoa bé nhất, kém sắc nhất đang cắm bày.

Nghe tiếng trả lời của cô chủ hàng hoa, người phụ nữ giật mình, bấc giác thụt lùi một bước rồi quay sang nhìn về phía có âm thanh. Trong suy nghĩ của chị, sẽ là một cô hàng hoa xinh đẹp, sang chảnh có chất giọng lảnh lót, nào ngờ đó lại là người phụ nữ bé nhỏ, gương mặt tiều tụy còn vương nước mắt và vết thâm chưa tan hết trên gò má. Cô chủ hàng hoa chỉ khác khách hàng của mình ở tấm áo lành, màu sắc rạng rỡ hơn.

Thấy vậy, chị khách như có thêm chút dũng khí để hỏi tiếp một câu nữa mà chị vốn nghĩ nếu gặp bà chủ đanh đá chị sẽ không dám hỏi: “Có bó nào tiền rẻ hơn bó này, tầm trăm nghìn đổ lại không em”. Và lại một bất ngờ nữa đến với chị khi cô chủ hàng hất hất cái đầu: “Chị cứ lấy bó hoa đó đi, rồi chị trả em bao nhiêu cũng được”.

Sau câu nói: “Thế thì ngại chết!” thốt lên từ vị khách, cô chủ hàng cay đắng: “Đời em còn chẳng tiếc, tiếc gì bó hoa hả chị”.

Cái shop hoa này là món quà của cha mẹ dành cho đứa con gái ngay từ khi sinh ra sức khỏe đã yếu ớt. Không đủ sức khỏe đi làm, cô gái ấy dành tình yêu của mình cho những bó hoa. Và cũng tại đây mối tình đầu của cô chớm nở với một vị khách. Hạnh phúc chẳng tày gang, ngay trong đêm tân hôn, khi biết cô dâu không còn trinh trắng, chú rể chẳng cần nghe lời giải thích của cô rằng ngày bé cô là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục trẻ em của gã hàng xóm, đã buông một câu sắc lạnh: “Để mai tôi về hỏi lại bố mẹ cô đã, nghe có vẻ khó tin lắm. Không khéo cô hư hỏng với thằng nào rồi dựng chuyện!”

Sau đêm ấy, cuộc đời của cô là những năm tháng ở cùng quỷ dữ, sống trong sự dằn vặt của chồng và sự chì chiết của mẹ chồng vì cái tội “còn bé mà đã biết quyến rũ đàn ông để đến nỗi mất trinh” mà họ gán cho cô. Chồng có thể cưỡng bức cô bất kỳ lúc nào anh ta muốn, mẹ chồng có thể ném vào người cô bất kỳ thứ gì bà vớ được trong tầm tay. Có những hôm, cô mang từ cửa hàng về một bó hoa ly trắng, loài hoa mà ngày còn yêu nhau chồng cô vốn rất thích để cắm trong nhà, thì chồng cô lao ra giằng bó hoa khỏi tay vợ ném tọt sọt rác, kèm theo đó là cái tát nổ đom đóm: “Cô ô uế, không xứng đáng với loài hoa này, đừng mang nó về đây”.

Thương bố mẹ nên dù rất đau khổ cô vẫn nín nhịn, cho đến một ngày chính bố đẻ của cô nói rằng ông biết việc con rể thường xuyên dẫn tình nhân vào nhà nghỉ. Trớ trêu sao chủ nhà nghỉ đó lại là người bạn cùng quân ngũ với ông ngày trước. Hai ông già đã bắt quả tang tại trận.

Câu chuyện của bố như giọt nước làm đầy tràn cái ly chịu đựng trong cô. Chiều nay, cô đến cửa hàng định dọn dẹp, đóng cửa sớm để quay về chốn địa ngục ấy với quyết tâm lần này phải tự cứu lấy cuộc đời mình. Thế rồi cô gặp chị.

Lắng nghe câu chuyện của cô, đến lượt mình chị cúi mặt xuống thì thầm kể. Chồng chị, người đàn ông đang thụ án kia đã phải đi tù vì hành vi đánh vợ. Từ ngày cưới đến giờ, không có lúc nào cơ thể chị hết vết bầm tím. Và, một trận đòn khiến vợ chấn thương sọ não, vỡ xương hàm, gẫy hai chân đã đưa kẻ vũ phu kia vào tù. Nhưng, rốt cuộc người thăm nuôi vẫn chính là người vợ bị đòn roi ấy. Vì, “dù sao anh ấy cũng là bố của những đứa con của chị”.

“Ngày mai là sinh nhật anh ấy em ạ, tối nay chị lên tàu đến trại, tính mua bó hoa cho anh ấy vui nhưng có bao tiền chị dành hết mua đồ thăm nuôi rồi. Thân đàn bà, lại con đùm, chị chả biết làm thế nào thôi cứ tự động viên mình chịu khó vài năm anh ấy về rồi tính”- chị ngượng nghịu cười, nói với cô.

Bạn có thể nói với tôi rằng, câu chuyện trên là hư cấu, vì thời này còn ai chịu khổ thế mà không vùng lên, nam nữ bình quyền rồi. Nhưng mặt trăng luôn có bóng tối, trái tim luôn có nếp gấp và đàn bà cũng luôn chứa đựng trong mình biết bao điều tưởng như rất vô lý, lỗi thời: nhẫn nhịn tưởng như ngu dại, nhẹ dạ tưởng như không ngờ…

Tất cả đều xuất phát từ trái tim tội nghiệp luôn yếu mềm khao khát yêu thương và ước mơ bảo vệ tổ ấm mong manh bằng mọi giá. Cứ thế, tất cả những điều đó như một thứ quán tính kéo họ đi hệt con tàu cứ lao về phía trước. Cho dù phía trước là màn đêm, là bóng hoa đen ở trên tường…

Đọc thêm