Từ sở thích khoe khoang trên đời thực…
Nhà văn Thạch Lam từ những năm 1940 trên Báo Ngày nay từng ghi lại một nhận xét của người nước ngoài về người Việt rằng: người Việt mải lo cho người chết hơn người sống. Chuyện xưa tưởng cũ, nhưng bây giờ lại thành phổ biến trong đời sống hiện đại.
Trong tập phiếm luận “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn, ông cho biết, mấy năm nay, nhiều nơi có phong trào đua nhau xây lăng mộ tổ tiên cho thật to, đẹp. Cũng đá hoa, đá mài, cũng mái cong, mái uốn. Cũng hoạ tiết hoa văn chìm nổi. Và thường thì tất cả những yếu tố gọi là hiện đại ấy để cạnh tranh nhau chỉ toát ra vẻ để đắp điếm lèo loẹt mà lại chắp vá lủng củng, không những giữa hai ngôi mộ mới tân trang đó với các ngôi mộ chung quanh chẳng ăn nhập gì với nhau, khác lạ với truyền thống văn hoá dân tộc…
Gần Tết, chuyện tu sửa, xây mới mồ mả, được con cháu phát tâm xây dựng khắp nơi từ miền Bắc cho tới Trung, Nam. Nhà giàu thì xây lăng mộ thật lớn rộng cả ngàn mét vuông, quy tụ anh em, tổ tiên nhiều đời trước vào chung một nơi cho con cháu dễ thăm viếng, hương khói. Gia tộc thành đạt, bỏ ra vài trăm triệu đến vài tỷ xây lăng mộ người đã khuất là bình thường và ai cũng hoan hỉ.
Có lần phóng viên chạy xe từ thành phố Huế xuống phá Tam Giang chơi, quan sát xung quanh đường đi mới thấy đây là khu nghĩa trang xây dựng kỳ công. Việc người Huế, xây dựng lăng mộ cho người chết từ lâu đã có tiếng là tốn kém, hoành tráng, nhưng chứng kiến ở đây thì thấy quả thực là như vậy. Nó giống như những khu lăng mộ của vua chúa thu nhỏ, để cho người đã khuất được cảm thấy hạnh phúc như theo quan niệm người sống.
Ở quê Hà Tĩnh tôi cũng vậy. Lăng mộ các cụ cũng được xây cất tử tế rồi, nhưng bỗng có ông ăn nên làm ra, thăng quan tiến chức xem bói đâu về nói phải xây cất lại cho “đàng hoàng, to đẹp hơn”. Kinh phí thì ông ăn nên làm ra lo rồi, nên họ hàng mất gì không gật đầu. Như vậy, chuyện ở làng xây cất lăng mộ không chỉ cho nó sạch sẽ, gọn gàng, mà là một cuộc đua tranh lăng mộ họ nhà nào đẹp hơn, to hơn… để rằm hay Tết về bà con dân làng trầm trồ, ca ngợi.
Nói về vấn đề này, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn bày tỏ: “Từ thực tế hôm nay, tôi nghĩ ngược lại: khoe khoang rầm rộ như thế ắt là vì người sống chứ đâu có vì người chết. Một khi đã mang tính cách một sự tô vẽ giả tạo thì nhất thiết nảy sinh phản cảm”. Ông kết luận rằng: “Phú quý sinh lễ nghĩa cái đó chỉ một phần. Nhưng theo tôi cái chính là sự hoang vắng tiêu điều trong lòng người. Có thể thì đám người sẵn của kia mới lấy sự hơn người giả tạo làm niềm kiêu hãnh”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ST) |
Người chết không biết có được hưởng phúc từ sự ầm ĩ đó của đám người sống không, nhưng sự phô trương đó đã làm cho người sống thoả mãn, vui vẻ. Lối sống đó bây giờ không phải là cá biệt mà như phổ biến cả từ đời thật cho đến mạng xã hội. Chuyện “làm màu” cho người chết và câu chuyện lối sống “phông bạt” trên mạng xã hội tưởng không liên quan nhiều, nhưng nó thể hiện một sự kết nối về “trình diễn quá đáng”, tô vẽ quá nhiều của con người. Họ say mê được tụng ca mà quên đi sát thương khi được đẩy hình ảnh của mình đi quá xa.
Đến sống “điên cuồng” trên mạng
Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương từng xử lý vụ việc một nam thanh niên treo cổ tự tử trong phòng trọ. Kiểm tra điện thoại của nạn nhân, công an phát hiện trước khi chết, thanh niên này đã lên trang facebook cá nhân phát trực tiếp nói mình buồn vì yêu đơn phương, cùng với đó là xin lỗi gia đình. Sau đó thanh niên này treo cổ tự tử. Tuy nhiên, do trang facebook cá nhân của anh này chỉ kết bạn với 3 người nên vụ việc không được ai phát hiện kịp thời. Đọc thông tin này tôi thấy sốc khi con người bây giờ quá nô lệ vào công nghệ và sự riêng tư yêu ghét, vui buồn của con người không còn được cất giấu thầm kín. Và khi họ chọn giải pháp tiêu cực nhất cũng phải cho thiên hạ thấy.
Đó là một câu chuyện buồn của một cá nhân riêng lẻ, nhưng cũng có nhiều người coi mạng xã hội là nơi để thể hiện cá tính của mình. Một thứ cá tính đi quá giới hạn đạo đức, luật pháp, để cho cái tôi cá nhân “tỏa sáng” một cách nguy hiểm đến cộng đồng.
Rất nhiều vụ việc phát ngôn ẩu, sai thông tin, không có kiểm chứng hay xây dựng theo trào lưu những ngôn ngữ bậy bạ, dung tục, thích gì nói vậy, thích chửi ai, lăng mạ, làm nhục, đánh ghen… đều có thể cho lên mạng xã hội. Họ coi những trang cá nhân đó là cái để xả hết thú vui, tức giận, hay chạy theo những sở thích, lối sống vượt ranh giới chuẩn mực cộng đồng. Nhiều người khi nhận ra sai lầm của mình thì đã muộn. Phạt hành chính đã có, người bị đi tù về lạm dụng mạng xã hội cũng đã có.
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc vi phạm pháp luật trên mạng xã hội còn nhiều là do hiểu biết luật pháp về an ninh mạng của người dùng còn “ngây thơ”: “Người tham gia mạng xã hội vẫn còn thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội, thiếu kiến thức nền tảng về sử dụng mạng xã hội, cung cấp thông tin nên dẫn đến việc họ cố tình hoặc vô ý tạo hoặc tiếp sức cho việc tạo ra, lan truyền và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật. Vì vậy, cần có nhiều chương trình truyền thông, tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, quy định xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, kỹ năng nhận biết tin giả, tin sai sự thật và cách phòng tránh, không chia sẻ, tương tác để người tham gia mạng xã hội nắm được, xây dựng lối sống văn minh, ứng xử văn hóa, có trách nhiệm, nêu gương sáng, việc tốt để lan tỏa các nội dung lành mạnh trên môi trường mạng xã hội”.
Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho biết 61,7% người dùng mạng xã hội từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin. Nạn nhân gần như bất lực, cách duy nhất là yêu cầu gỡ thông tin đó.
TS. Đặng Hoàng Giang thì cho rằng việc phát ngôn bừa bãi, tấn công, nhục mạ người khác một cách “bầy đàn” đang là mối nguy hại cho cộng đồng: “Lăng nhục trên mạng là sự tiếp nối của tư duy phong kiến, vì ngày xưa, trừng phạt ai đó là công khai, để mọi người chứng kiến”. Ông Giang cho rằng vòng xoáy bạo lực ngôn ngữ đó chia cộng đồng thành hai phe: “Chúng ta” và “chúng nó”. Một bộ phận tự coi mình là “dân phòng trên mạng, tự cho mình đứng về lẽ đúng, là “Lục Vân Tiên” và có quyền phán xét những người mà họ cho là sai với tiêu chuẩn của họ. Điều này dẫn đến chủ nghĩa tự xử, như ở ngoài đời người dân có quyền đánh trộm chó đến chết, đánh hội đồng người gây tai nạn giao thông hay trộm cắp…”.
“Đây chính là đám đông nhân danh công lý của sự cuồng nộ để trả thù bằng “luật rừng” mà không phải thượng tôn luật pháp”, ông Giang nhấn mạnh.
Hai vấn đề tôi viết, đó là người sống đang vin vào người chết để “trang sức” cho mình, nó cũng giống như người đời vin vào mạng xã hội để chứng minh sự “sặc sỡ”. Hai thứ đó đang thành trào lưu, có thừa nhận, có tung hô và có cả đổ vỡ khi bị xã hội đào thải.
Anh Nguyễn Hà Duy, CEO Học viện giọng nói và kỹ năng Thalic Voice: “Xây dựng thương hiệu cá nhân bây giờ không hề khó nhưng xây dựng một thương hiệu sạch, tử tế thì lại rất khó. Có quá nhiều cám dỗ để chúng ta bất chấp để nổi tiếng, bất chấp để được nhắc tên trên bất kỳ nền tảng nào. Nổi tiếng sau một đêm, nổi tiếng sau một clip, nổi tiếng sau một bức ảnh…là những khái niệm quá quen thuộc. Nhưng làm từ từ chậm rãi, thì khó nổi tiếng hoặc mất rất nhiều thời gian. Vì thế, nhiều người chọn con đường đi thật nhanh bằng scandal hoặc nổi trước đã, sửa sai và cống hiến cho cộng đồng sau. Có thể tiền bạc, tiếng tăm sẽ đến với bạn khi bạn bất chấp tất cả để tên tuổi của mình được xuất hiện nhiều. Nhưng điều đó sẽ không bền, không vững. Thực tế đã chứng minh là tất cả những trường hợp làm truyền thông cá nhân bằng mọi giá, bằng đủ chiêu trò bẩn đều biến mất chỉ sau một thời gian ngắn. Sự độc hại luôn bị đào thải khỏi xã hội”.