'Mưa nắng không chạy vào nhà'
Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Thanh Nhàn, Tổ trưởng Trạm chắn tàu Kim Liên A, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Chị Nhàn đã bén duyên với nghề hơn 20 năm.
6h sáng, trên trục đường Lê Duẩn - Giải Phóng, khi lượng phương tiện lưu thông chưa nhiều, chị Nhàn và các đồng nghiệp lên ban (thuật ngữ ca trực - PV) tại Trạm chắn tàu Kim Liên A. Đường phố dần đông đúc, chị và các đồng nghiệp phải tập trung giám sát lịch trình tàu chạy chính xác từng giây để đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu và phương tiện trên đường. Thời gian mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ, từ 6h đến 18h, và một ca khác từ 18h đến 6h hôm sau, mỗi ca trực phải đảm bảo có 7 người gác.
|
Chị Nhàn gọi điện đến các trạm gác phía sau thông báo hành trình di chuyển của tàu. Ảnh: Ngọc Nga |
“Trạm gác nằm ở ngã tư Lê Duẩn - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Xã Đàn, điểm có lượng phương tiện tham gia lưu thông rất đông, giờ cao điểm còn dễ xảy ra ùn tắc. Vì vậy dù nắng hay mưa, bất kể đêm hay ngày nhân viên gác chắn đều phải trực đủ 12 tiếng/ca, không được phép nghỉ ngơi, sao nhãng. Chị em chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau rằng “Mưa gió, chúng tôi bất chấp hết, đội nắng, đội mưa lao ra gác đường tàu”, chị Nhàn cười.
Chị Nhàn kể, công việc tưởng đơn giản nhưng cũng áp lực vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì phải đảm bảo an toàn cho cả 3 đối tượng: Tính mạng dưới đất, trên tàu và tính mạng của chính mình. Tuyến đường ngang trạm Kim Liên A là điểm nút giao thông quan trọng, mật độ người đi lại cao nên khó khăn lớn nhất là việc báo hiệu cho các phương tiện dừng lại khi có tàu tới.
|
Lên ban mỗi lần 12 tiếng đồng hồ, chị Nhàn cùng 6 đồng nghiệp khác luôn tập trung giám sát lịch trình tàu chạy chính xác từng giây để đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu và phương tiện lưu thông trên đường. Ảnh: Ngọc Nga |
Nhiều khi có hiệu lệnh dừng và rào chắn được kéo lại vẫn có người bất chấp sự an toàn của bản thân, cố tình len lỏi, vượt qua đường ngang. Khi nhân viên gác chắn ngăn lại thì họ có những lời lẽ tục tĩu, xúc phạm, hùng hổ đe dọa. Là người thực thi nhiệm vụ, chị Nhàn và đồng nghiệp không được có hành động thái quá, bên cạnh đó, trong ban chủ yếu là phụ nữ, chẳng thể chống lại sự phản đối gay gắt đó, các chị chỉ cố gắng giải thích để mọi người cùng hiểu vì mục tiêu an toàn giao thông...
Tiếng chuông điện thoại reo thông báo hành trình tàu di chuyển, ngắt ngang dòng chia sẻ của chị Nhàn với chúng tôi. Câu hỏi: “Alô, tàu sắp đến chưa? Alô, tàu sắp đến chưa?!” của chị Nhàn liên tục vang lên. Sau đó, chị nhanh chóng gọi điện đến những trạm gác sau để thông báo về hành trình di chuyển của tàu.
Khi cuộc gọi kết thúc, chị Nhàn lập tức bật chuông thông báo, tín hiệu đèn báo và cùng các đồng nghiệp đội mũ kêpi, tay cầm cờ hiệu, đi ra đường ray kéo thanh chắn, chờ tàu chạy qua.
|
Khi tiếng chuông thông báo vang lên cùng tín hiệu đèn báo, chị Nhàn và các đồng nghiệp đội mũ kêpi, tay cầm cờ hiệu di chuyển ra đường ray kéo thanh chắn, đảm bảo an toàn khi tàu chạy qua. Ảnh: Ngọc Nga |
“Làm nghề này phải nhanh chóng, chính xác đến từng giây, chứ chậm là hỏng. Bình thường 10 phút tàu xin đường là phải rào chắn nhưng do mật độ phương tiện tại đây rất cao nên các chị em phải thực hiện chỉ vẻn vẹn trong khoảng 3 phút trước khi tàu tới”, chị Nhàn cho hay.
Khi được hỏi về những kỷ niệm nhớ nhất trong suốt 22 năm gắn bó với nghề, chị Nhàn kể, đó là lần “thập tử nhất sinh”: “Vào tháng 8/2009, hầm Kim Liên đang được thi công, khi tôi cùng 6 chị em khác trong đội đang dọn vệ sinh đường tàu, bỗng một chiếc ô tô con, có lẽ người điều khiển đã uống rượu, không biết là con đường nhánh gần trạm đang bị cấm nên cứ phóng xe vào. Phát hiện sự nguy hiểm, tôi vừa chạy vừa hô hoán chị em đằng sau mình, nhưng tài xế dường như nghĩ tôi đang ra tín hiệu cho xe đi về hướng ấy nên cứ thế cho xe lao về phía trước… Khi tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã bị chiếc xe ấy đâm phải. Cú tông ấy khiến tôi gãy xương sườn, nằm tĩnh dưỡng mất 3 tháng”.
Vất vả và có không ít thiệt thòi, nhưng những “bóng hồng” ấy vẫn tìm cho mình được những niềm vui nhỏ, đó là những lúc họ giúp được một người vô tình mắc kẹt giữa đường ray, hay khi cứu được một người có ý định quyên sinh trước đầu tàu. Với chị Nhàn, đó là những lần “thót tim” nhưng cũng chính là động lực khiến chị Nhàn cùng các đồng nghiệp gắn bó với nghề lâu đến vậy.
|
Vất vả và có không ít thiệt thòi, nhưng những “bóng hồng” ấy vẫn tìm cho mình được những niềm vui trong công việc. Ảnh: Ngọc Nga |
“Lúc đầu mới vào nghề cũng bình thường lắm, nhưng mỗi chuyến tàu an toàn đi qua chúng tôi lại thấy vui và hạnh phúc, vì mình đã góp một phần nhỏ bé để chuyến tàu an toàn đi đến khắp mọi miền của tổ quốc. Đến giờ tôi có thể tự hào nói rằng “Mình đã chọn đúng nghề mà nghề đã chọn đúng mình”, chị Nhàn bộc bạch.
Những tiếp viên ở trên tàu nhiều hơn ở nhà
Chị Tạ Thị Vân Anh, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, bén duyên với tàu hỏa hơn chục năm nay. Mỗi ca trực của chị Vân Anh kéo dài 4 ngày, với công việc phục vụ ăn uống trên tàu. Mỗi chuyến tàu, chị Vân Anh đều trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, gặp được rất nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Với chị, đây là những trải nghiệm quý báu trong đời.
|
Chị Tạ Thị Vân Anh trên một chuyến tàu. |
“Gia đình vốn có người làm trong ngành đường sắt, nên tôi cũng được vun đắp tình yêu với những chuyến tàu. Khi đã bước sang tuổi 27, tôi quyết định thử sức với tình yêu ấy. Tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chồng và gia đình. Công việc phải di chuyển thường xuyên, đi xa nhà nhiều ngày, đỉnh điểm có những tháng vào dịp Lễ, Tết, nghỉ hè, tôi đi trực đến 24 ngày/tháng. May mắn gia đình thấu hiểu, các con cũng tự lập từ nhỏ, hiểu được công việc của mẹ, nên tôi vẫn yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, chị Vân Anh chia sẻ.
Về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong công việc, chị Vân Anh kể, trong một chuyến tàu có khách bị ngã, vết thương không quá nặng, nhưng gây chảy máu, phải nhờ đến sự hỗ trợ của tiếp viên. Nhanh chóng có mặt, chị Vân Anh đã sơ cứu, bôi thuốc và băng bó giúp hành khách. Chị hồi tưởng: “Tôi không quên được ánh mắt của hành khách đó khi xuống tàu. Bạn ấy cảm ơn tôi rất nhiều, ánh mắt ấy có cả sự ngưỡng mộ nữa...”.
|
"Mỗi người tôi gặp là một câu chuyện rất đời thường, vui có, buồn có. Thậm chí nhìn thấy cả sự thay đổi của khách hàng khi chất lượng dịch vụ ngành đường sắt tốt dần lên. Với tôi, mỗi chuyến tàu an toàn là một niềm hạnh phúc, và tôi yêu nghề cũng chỉ đơn giản do thế", nữ tiếp viên đường sắt Vân Anh tâm sự. |
Khi được hỏi về niềm vui của những chuỗi ngày đi dọc Bắc - Nam, chị Vân Anh cười: “Ai cũng thích được ở gần gia đình, nhưng công việc khiến mình phải có tinh thần hy sinh. Cũng nhờ công việc này mà tôi được tiếp xúc với rất nhiều người. Mỗi người tôi gặp là một câu chuyện rất đời thường, vui có, buồn có. Tôi thấy cả sự thay đổi tích cực từ hành khách khi chất lượng dịch vụ ngành đường sắt tốt dần lên. Với tôi, mỗi chuyến tàu an toàn là một niềm hạnh phúc, và tôi yêu nghề cũng chỉ đơn giản do thế”.
|
Những người bén duyên với ngành đường sắt, rong ruổi trên những chuyến tàu chạy dọc Bắc - Nam. |
Như các nghề khác, nghề gác chắn tàu hay làm tiếp viên đường sắt cũng có những nốt trầm, nốt thăng, có vui, có buồn, có nụ cười và cả những giọt nước mắt. Điều quan trọng, những “bông hồng thép” ấy vẫn đang lặng lẽ cống hiến, nỗ lực đóng góp công sức để các chuyến tàu lưu thông an toàn khắp mọi miền tổ quốc.