Bột pin trong xưởng phế phẩm cà phê: Nghịch lý không dễ khởi tố tội chế biến thực phẩm bẩn

(PLO) - Liên quan đến vụ việc cơ sở sản xuất dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để nhuộm phế phẩm cà phê được phát hiện tại xưởng sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ngụ thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông), chiều 18/4 UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp báo dưới sự chủ trì của ông Ngô Xuân Lộc – Chánh Văn phòng UBND tỉnh để thông tin kết quả ban đầu và quan điểm xử lý vụ việc.
Cảnh sát lập biên bản sự việc
Cảnh sát lập biên bản sự việc

Phải chứng minh “phế phẩm” bán làm đồ uống

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ sở bà Loan có hành vi nhuộm dung dịch pin vào phế phẩm cà phê. Công an đang điều tra làm rõ động cơ, mục đích của chủ cơ sở.

“Công an đã triệu tập bà Loan, chồng bà Loan và Ngô Ngọc Sơn - người trực tiếp làm ra sản phẩm để điều tra, làm rõ việc có phải các phế phẩm này có phải bán cho các cơ sở rang xay, làm cà phê bột hay không? Chúng tôi cũng đang tập trung đấu tranh xem các sản phẩm sau chế biến được đưa đi đâu, bước đầu các đối tượng khai nhận, hơn ba tấn thành phẩm đã được đưa đi tiêu thụ ở tỉnh Bình Phước”, Đại tá Quy thông tin.

Nếu xác định bà Loan dùng phế phẩm cà phê này để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu về hành vi “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự với mức án có thể lên tới 7 năm tù. Cũng theo Đại tá Quy, cần đấu tranh, làm rõ, thu thập các chứng cứ liên quan từ việc mua về, xuất bán đi để xác định các nguyên liệu này có phải mục đích cuối cùng là để bán làm đồ uống hay không.  

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện thường xuyên kiểm tra và chưa phát hiện vi phạm của cơ sở này trước đây. Đối với nghĩa vụ thuế, bà Loan đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19/8/2016, ngành nghề thu mua nông sản. Bà Loan có đóng đầy đủ thuế môn bài, thuế hàng tháng trong quá trình kinh doanh. Thượng tá Nguyễn Tường Vũ, Trưởng Công an cho hay, từ trước đến nay công an huyện chưa xử lý hành vi vi phạm nào từ cơ sở của bà Loan. 

Trước đó, ngay sau khi nghi án sản xuất “cà phê độc” được phanh phui, PLVN đã mục sở thị xưởng sản xuất cà phê của bà Loan và ghi nhận xưởng này nằm lọt thỏm trong khu dân cư, cách mặt đường liên xã khoảng 150m. Nhìn bề ngoài khó có thể phát hiện ra đây là một cơ sở sản xuất kinh doanh vì không có biển hiệu, cửa kho luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.

Xưởng có diện tích chưa đầy 100m2 nhưng chứa hàng chục tấn phế phẩm cà phê cùng đất, đá được tập kết ở trong kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng pin Con Ó, hai chậu chứa 35kg pin được đập vụn, một xô chứa lõi pin, một xô chứa nước màu đen và nắp pin với trọng lượng 10kg… dùng để nhuộm đen cà phê. Sau khi ra thành phẩm cà phê thì được mang đi sấy khô và đóng gói.

Thời điểm bị bắt quả tang, bà Loan khai nhận, cơ sở hoạt động từ năm 2016 đến nay. Nguồn nguyên liệu là các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… được thu mua tại các đại lý. Bà Loan cho biết, cứ khoảng hai tuần sẽ có một xe tải chở hàng chục tấn “cà phê phế phẩm” được mua gom từ các nơi về kho. Sau đó, công nhân trong xưởng sẽ thực hiện các thao tác “gia công” để biến bột đá, vỏ cà phê… trộn đều với than pin để thành “cà phê rang xay” đem đi tiêu thụ tại một số tỉnh.  

Hàng chục tấn phế phẩm cà phê trong xưởng
Hàng chục tấn phế phẩm cà phê trong xưởng

“Phế phẩm cà phê” làm cà phê, hay làm phân bón?

Trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Anh, Trưởng Công an xã Đắk Wer cho biết, qua công tác nghiệp vụ và nắm tình hình địa bàn, công an xã đã từng kiểm tra cơ sở của bà Loan và phát hiện nhiều đống vỏ, cà phê vỡ vụn trong kho. Lúc đầu công an xã nghĩ rằng bà Loan sử dụng những phế phẩm này để làm phân vi sinh.

Ông Anh thông tin thêm, bà Loan bắt đầu đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 13  từ ngày 11/1/2016, nơi thường trú trước đây thuộc phường Xuân Bình (TX Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Bà Loan được Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện cấp giấy phép kinh doanh lần đầu ngày 19/08/2016 với ngành nghề kinh doanh là thu mua nông sản, sau đó có đăng ký thay đổi lần một vào ngày 31/10/2017.

Được biết, cách đây hơn hai năm, bà Loan thu mua rất nhiều vỏ, vụn cà phê, hạt tiêu lép phơi công khai ở hai bên mép đường. Nhiều người dân còn nhìn thấy bà Loan mua pin về đập để trộn với vỏ cà phê này. Mỗi lần đập giập pin, hòa với vỏ cà phê, hạt tiêu lép, bà Loan đều mở nhạc rất to, nhằm tránh bị phát hiện. Việc “sản xuất” cà phê, xe cộ chở hàng chủ yếu vào ban đêm nên người dân không nắm rõ họ làm gì. Chỉ đến khi công an đột nhập bắt quả tang thì người dân mới biết rõ sự việc.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, bà Loan thừa nhận từ đầu năm đến nay, cơ sở đã xuất ra thị trường hơn ba tấn cà phê “bẩn”. Các sản phẩm được đóng gói xuất bán đi nhiều nơi, chủ yếu tiêu thụ ở tỉnh Bình Phước nhưng không có gắn nhãn hiệu. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Như Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Đắk Nông) cho biết, sau khi PC49 bắt quả tang sự việc, đơn vị có cử lực lượng đi kiểm tra, nắm bắt thông tin. Cơ sở của bà Loan không đăng biển hiệu, không có hoạt động thu mua và không bán các sản phẩm ra thị trường tỉnh. Việc bà này sản xuất cà phê tạp chất trộn pin để làm gì, bán đi đâu thì cơ quan chưa có thông tin.

Theo ông Hiền, đơn vị có chức năng giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhưng với sản phẩm có nhãn hiệu rõ ràng. Các cơ sở sản xuất cà phê như bà Loan đều làm “chui”, ở những nói xa xôi nên khó phát hiện được. Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã bắt, xử lý và tiêu hủy một số vụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Còn ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh cho hay: “Hiện đơn vị và PC49 đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Việc sử dụng những phế phẩm không có giá trị để trộn với pin thì khó có khả năng trở thành thực phẩm, đồ uống. Rất có thể bà Loan sử dụng những tạp chất đó trộn với pin để làm phân bón. Hiện tại, đơn vị đã lấy tất cả các mẫu vật đưa về sở, chờ kết quả lấy lời khai bà Loan từ PC49 để có cơ sở đi giám định vì kinh phí giám định có hạn. Theo đó, nếu bà Loan khai sử dụng sản phẩm sau chế biến làm thực uống thì kiểm định theo hướng an toàn thực phẩm, cần kiểm tra xem có cà phê hàm lượng cafein, các chất độc hại trong đó. Còn nếu sử dụng để làm phân bón thì phải kiểm định theo hướng phân bón giả, đó là phải kiểm tra hàm lượng N-P-K có trong sản phẩm”. 

“Cơ thể muốn thải loại than chì phải mất vài chục năm”

Đứng ở giả thuyết nếu những phế phẩm cà phê nhuộm pin kia dùng làm đồ uống, TS.BS Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, pin thông thường hay sử dụng là pin cacbon, có thể chứa mangan dioxit và một số tạp chất, kim loại khác như thủy ngân. “Đã là kim loại nặng thì chắc chắn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương khớp và máu”, bà Xuân nói. 

Nếu tiếp xúc, sử dụng thực phẩm nhiễm kim loại nặng trong thời gian dài thì tùy theo lượng dùng, thời gian sử dụng mà gây ra tác hại khác nhau. Ở trẻ thường ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, người lớn gây ra các bệnh mãn tính như parkinson, thoái hóa não. Không chỉ não mà tim, phổi, thận, gan cũng bị ảnh hưởng xấu vì kim loại nặng khi vào cơ thể phân bố tới tất cả cơ quan, trong đó triệu chứng thần kinh là rõ ràng nhất.

Người bị ngộ độc kim loại nặng mãn tính kéo dài, cơ thể tích tụ kim loại nặng xuất hiện các biểu hiện như suy nhược cơ thể, trí tuệ chậm phát triển, chân tay co quắp...  

Một chuyên gia hóa học khác cho biết lõi pin chứa chủ yếu bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh,  nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, người sử dụng cà phê được nhuộm bằng bột pin dễ bị nhiễm độc, có thể dẫn đến viêm thận, đau tim. Cơ thể muốn thải loại than chì phải mất vài chục năm. Đấy là kiến thức sơ đẳng, chung chung mà ai trong ngành đều biết.

PGS.TS Thịnh nói: “Nếu cà phê nhuộm bột lõi pin làm đồ uống thì đương nhiên không cần chứng minh có vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không nữa. Pin là chất độc hại, cấm sử dụng trong thực phẩm”. 

PGS Thịnh cũng đặt một nghi vấn khác về sự việc. Ông cho rằng thời xưa khan hiếm mực, có khi phải cạo nhọ nồi, nghiền lõi pin làm mực và phải nghiền rất kỹ, mịn. Lõi pin là bột than được ép rất cứng, là than ở trạng thái hạt rất khó hòa tan. Và nếu đập vụn lõi pin ra thì chúng thường tạo thành các mảnh nhỏ chứ không phải bột mịn. Trong khi đó, chất nhuộm phải hòa tan được mới thấm vào sản phẩm. “Họ nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin ra sao, hay còn sử dụng vào mục đích gì khác, cái đó cơ quan điều tra và các nhà khoa học cần điều tra nắm rõ”, PGS.TS Thịnh nói.

Đọc thêm