BQL dự án thông tin về sự cố bờ kè 80 tỷ đồng ở Kiên Giang sạt lở sau 5 tháng sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức, sáng 4/9, ông Dương Khánh Bình - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (BQLDAĐTXD) huyện Giang Thành thông tin liên quan sự cố công trình Bờ kè chống sạt lở kênh Hà Giang (đoạn Trung tâm hành chính - khu dân cư Đầm Chít) sạt lở sau khoảng 5 tháng hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ông Dương Khánh Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Giang Thành thông tin về dự án đầu tư xây dựng bờ kè kênh Hà Giang tại buổi họp báo.
Ông Dương Khánh Bình - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Giang Thành thông tin về dự án đầu tư xây dựng bờ kè kênh Hà Giang tại buổi họp báo.

Theo báo cáo của BQL dự án ĐTXD huyện Giang Thành, chiều tối 4/8, đơn vị thi công phát hiện 3 phân đoạn (A35, A36, A37, thân kè cao 3,5m) ngã ra phía sông 50-100cm. Ngày 5/8, đơn vị thi công, giám sát cùng đại diện BQL dự án ghi nhận sự cố xảy ra và cho vây cảnh báo nguy hiểm khu vực. Đến ngày 7/8, đơn vị thi công, giám sát, tư vấn thiết kế cùng đại diện BQL dự án kiểm tra, khảo sát sự cố (kết cấu tường kè hoàn toàn không hư hỏng) ngã ra phía sông 50-126cm và cho bốc dỡ đất núi tại 3 phân đoạn trên nhằm giảm tải. Đồng thời, khảo sát địa chất, đưa ra biện pháp khắc phục và ổn định toàn tuyến kè.

Trước đó, các phòng ban, UBND huyện đã họp nghe báo cáo của tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, đơn vị thi công và tư vấn giám sát. Để đưa ra phương án khắc phục đơn vị tư vấn xin khảo sát địa chất lại vị trí A36, quan trắc toàn bộ tuyến kè và Chủ đầu tư là UBND huyện yêu cầu tư vấn thiết kế đánh giá, cam kết lại tính ổn định của toàn bộ công trình.

Theo BQLDAĐTXD huyện Giang Thành, trước đó công trình này đã 2 lần xảy ra sự cố. Cụ thể, trước ngày 19/5/2023, đơn vị thi công triển khai công tác đắp đất núi sau tường kẻ. Đêm 19/5/2023, đơn vị thi công phát hiện 3 phân đoạn kè (A31, A32, A33) có dấu hiệu ngã ra phía sông 20-30cm và cho bốc dỡ đất núi tại 3 phân đoạn trên nhằm giảm tải khắc phục. Ngày 23/5/2023, đơn vị thi công, giám sát cùng đại diện BQL dự án ghi nhận sự cố xảy ra. Ngày 13/6/2023, đơn vị thi công, giám sát, tư vấn thiết kế cùng đại diện BQL dự án kiểm tra, khảo sát sự cố.

Đến ngày 26/6/2023 các đơn vị liên quan cùng các phòng ban, UBND huyện họp nghe báo cáo và hướng khắc phục của tư vấn thiết kế. Đó là phá dỡ toàn bộ thân kè, dùng thép thân kè làm đáy móng nằm trên, liên kết đáy móng cũ, tiếp tục liên kết thép, bê tông thân kè mới hoàn toàn.

Trước ngày 26/11/2023, đơn vị thi công tiếp tục triển khai công tác đắp đất núi sau tường kè. Chiều 26/11/2023, đơn vị thi công phát hiện lại một đầu phân đoạn kè (A59) chuyển vị ngã ra phía sông 50-80cm và cho bốc dỡ đất núi tại phân đoạn trên nhằm giảm tải khắc phục.

Đoạn kè bị sạt lở ra phía kênh Hà Giang.

Đoạn kè bị sạt lở ra phía kênh Hà Giang.

Sau đó, ngày 27/11/2023 đơn vị thi công, giám sát, tư vấn thiết kế cùng đại diện BQL dự án ghi nhận sự, kiểm tra, khảo sát sự cố; UBND huyện họp nghe báo cáo và hướng khắc phục của tư vấn thiết kế, yêu cầu tư vấn thiết kế đánh giá lại tính ổn định của toàn bộ công trình.

Với diễn biến trong quá trình thi công như trên, BQL dự án nghi ngờ tính ổn định của công trình và đề nghị Trung tâm kiểm định Sở xây dựng Kiên Giang kiểm tra thẩm định tính ổn định và an toàn chịu lực của công trình. Tuy nhiên, Trung tâm kiểm định Sở xây dựng Kiên Giang đã từ chối thực hiện.

Theo BQL dự án ĐTXD huyện Giang Thành, đối với sự cố lần 1 và lần 2, đơn vị thi công chọn phương án phá dỡ các phân đoạn A31, A32, A33 và A59 nghiêng ra phía bờ sông và làm lại mới hoàn toàn các phân đoạn này và đã ổn định bình thường. Còn với sự cố lần 3, đơn vị tư vấn thiết kế chọn phương án phá dở các phân đoạn A35, A36, A37 nghiêng ra phía bờ sông và làm lại mới hoàn toàn các phân đoạn này.

Tại buổi họp báo, ông Dương Khánh Bình – Giám đốc BQLDAĐTXD huyện Giang Thành cho biết: Dự án đã được khảo sát địa chất đúng theo quy định. Đơn vị tư vấn đánh giá nguyên nhân ban đầu là xảy ra sự cố là do thay đổi địa chất cục bộ.

Dự án này đã có khảo sát địa chất với 14 hố trên toàn tuyến, mỗi hố cách nhau 200 m. Khi xử lý lại vị trí sạt lở, các đơn vị có khoan lại các hố ngay vị trí sạt lở và có sự sai lệch. Ví dụ như ở hố khoan khảo sát thì thiết kế cọc 6m nhưng khoan lại tại vị trí sự cố xảy ra thì cọc phải lên 9m mới tải được trọng lượng. Theo đơn vị tư vấn nguyên nhân là do thay đổi địa chất cục bộ. Ở vùng đất Hà Tiên và An Giang là phù sa cổ, trước đây có những kinh rạch, sông cổ. Qua quá trình bồi lắng bằng phẳng nhưng rõ ràng ở đây có những biến đổi địa chất.

Cũng theo ông Dương Khánh Bình, để đảm báo an toàn, tính ổn định cho công trình sử dụng lâu dài, UBND huyện Giang Thành đang lựa chọn đơn vị kiểm tra tính toán, kiểm định tính ổn định và an toàn. Do công trình này đang trong thời gian bảo hành nên chi phí khắc phục sự cố sẽ do các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công chịu. Riêng chi phí thuê đơn vị kiểm tra tính ổn định của dự án sẽ do chủ đầu tư chi trả.

Công trình bờ kè chống sạt lở kênh Hà Giang (đoạn Trung tâm hành chính huyện Giang Thành đến khu dân cư Đầm Chít) có chiều dài hơn 3.161m; mức đầu tư 80 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Công trình được khởi công vào tháng 10/2022 và hoàn thành vào tháng 2/2024. Công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 3/2024 và trong giai đoạn bảo hành.

Đọc thêm