Brazil: Lại đòi luận tội Tổng thống

(PLO) - Ngày 28/11, đảng Tự do và xã hội chủ nghĩa (PSOL) của Brazil đệ đơn kiến nghị luận tội Tổng thống Michel Temer với cáo buộc lạm dụng quyền lực.
Nhậm chức vừa tròn 4 tháng, ông Temer đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực
Nhậm chức vừa tròn 4 tháng, ông Temer đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực

Trong đơn kiến nghị của mình, PSOL - một chính đảng gồm các thành viên từng thuộc đảng Lao động (PT), lập luận rằng ông Temer đã can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của Bộ trưởng Thư ký Chính phủ Brazil Geddel Vieira Lima. PSOL cáo buộc ông Temer đã lạm quyền để làm lợi cho một cá nhân. 

Hai mặt “giáp công”

Theo kế hoạch, đảng PT của cựu Tổng thống Dilma Rousseff cũng sẽ đệ đơn yêu cầu luận tội Tổng thống Temer trong thời gian tới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các động thái này chỉ mang tính biểu tượng do khó có khả năng nhận được sự thông qua của 2 viện Quốc hội.

Trước đó, ngày 24/11, tờ “Folha de Sao Paulo” đưa tin cựu Bộ trưởng Văn hóa Marcelo Calero khai báo với cơ quan điều tra rằng Tổng thống Temer gây áp lực buộc ông phải can thiệp vào một thỏa thuận với doanh nghiệp có quan hệ với ông Vieira Lima. Sau đó một ngày, ông Lima đã xin từ chức.

Ông Lima là một trong những nhân vật chủ chốt của các chính sách của Tổng thống Temer và là vị bộ trưởng thứ 6 trong chính quyền Tổng thống Temer xin từ chức kể từ tháng 5 vừa qua. Tổng thống Temer đã bác bỏ mọi cáo buộc trong vụ việc. Ông Temer nhậm chức Tổng thống Brazil hôm 31/7 vừa qua sau Quốc hội phế truất người tiền nhiệm Rousseff.

Cáo buộc cả Quốc hội

Trong khi đó, Quốc hội Brazil bị cáo buộc tìm cách ban hành thành luật một cơ chế ân xá sẽ cho phép các quan chức lập pháp tránh truy tố trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang đẩy mạnh điều tra tham nhũng liên quan tới nhiều tập đoàn lớn.

Chủ tịch Hạ viện, ông Rodrigo Maia mới thông báo, Hạ viện Brazil đã quyết định hoãn phiên bỏ phiếu từ ngày 24 sang ngày 29/11 liên quan tới một điều luật mới được cho là nhằm thắt chặt quy định về hoạt động của các quỹ đen trong các chiến dịch tranh cử. Theo ông Maia, động thái trên nhằm đảm bảo Hạ viện có “các thông tin phân tích đầy đủ và kỹ lưỡng” trước khi tiến hành bỏ phiếu. 

Trước đó, có thông tin cho rằng điều luật mới sẽ không được áp dụng đối với các trường hợp hiện tại đang điều tra. Thông tin này đã gây bất đồng trong công chúng trong bối cảnh Brazil đang đối mặt với các vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn gây chấn động dư luận suốt hai năm qua.

Thẩm phán Sergio Moro, người chỉ huy chiến dịch điều tra bê bối Petrobras đã chỉ trích động thái của Quốc hội, nhấn mạnh việc ân xá các hành vi tham nhũng và rửa tiền sẽ “gây ra các hậu quả khó lường, ảnh hưởng tới tính liêm chính và sự tín nhiệm của luật pháp quốc gia và nền dân chủ Brazil”. Tuy nhiên, ông Maia bác bỏ chỉ trích cho rằng Quốc hội đang hành động vô trách nhiệm, đồng thời khẳng định cơ quan này sẽ lắng nghe ý kiến của người dân trước khi bỏ phiếu.

Doanh nghiệp thỏa hiệp

Về phần mình, Odebrecht SA - Tập đoàn Cơ khí và xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh của Brazil - đã đạt thỏa thuận với các công tố viên liên bang Brazil, theo đó công ty này sẽ hợp tác với cơ quan điều tra, chấp nhận nộp phạt khoảng 7 tỷ real (tương đương 2,1 tỷ USD) do vai trò của mình trong vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras khiến chính trường quốc gia Nam Mỹ chao đảo. 

Một nguồn thạo tin cho biết, hơn 70 giám đốc điều hành và nhân viên Tập đoàn Odebrecht đã đồng ý ký các thỏa thuận điều đình. Theo các thỏa thuận, các nhà điều hành sẽ trở thành nhân chứng, cung cấp cho các công tố viên những thông tin chi tiết về các vụ hối lộ cho các lãnh đạo Petrobras và các công ty nhà nước khác cũng như một loạt các chính trị gia. Thỏa thuận này cũng cho phép Odebrecht đấu thầu các hợp đồng mới của chính phủ, theo đó dỡ bỏ một lệnh đình chỉ mà tập đoàn này bị áp đặt do liên quan đến các vụ hối lộ tại các công ty nhà nước.

Nếu được thẩm phán thụ lý vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Petrobras chấp thuận, đây được xem là thỏa thuận điều đình kiểu này lớn nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại, vượt xa thỏa thuận mà Tập đoàn Siemens AG của Đức nộp phạt 1,6 tỷ USD cho giới chức Mỹ và châu Âu vì hành vi hối lộ để thắng thầu các dự án của chính phủ.

Odbrecht SA bị cáo buộc đã hối lộ cho hơn 200 chính trị gia thuộc 24 đảng khác nhau, trong đó có cả đảng Lao động (PT) và các đảng đối lập, để thắng thầu trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm sân vận động Arena ở thành phố Sao Paolo, một sân bay ở bang Goiania và một kênh đào ở miền Nam Brazil. Ngoài ra, tập đoàn này cũng sở hữu một bộ phận riêng biệt chuyên phụ trách thực hiện các khoản hối lộ bất hợp pháp.

Odebrecht SA, hoạt động ở 30 quốc gia, cũng đã quyên góp một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tranh cử của các chính trị gia thuộc PT, bao gồm cả chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, cũng như các đối thủ của PT như Thượng nghị sĩ Aécio Neves thuộc đảng Xã hội Dân chủ (PSDB).

Hồi tháng 4 vừa qua, Odebrecht SA đã buộc phải bán một phần tài sản trị giá 3,2 tỷ USD để vượt qua “bão” tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Petrobras. Giám đốc điều hành Newton de Souza cho hay việc bán khối tài sản trên là nhằm chi trả một phần trong khoản nợ 25 tỷ USD của Odebrecht.

Ông De Souza đảm nhận cương vị quyền Giám đốc điều hành và Chủ tịch Tập đoàn Odbrecht SA hồi tháng 12 năm ngoái, thay cho ông Marcelo Odebrecht, người bị cáo buộc dính líu tới bê bối tham nhũng tại Petrobras. Hồi tháng 3 vừa qua, ông Odebrecht đã bị kết án 19 năm 4 tháng tù giam với tội danh tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng. 

Brazil rơi vào bê bối tham nhũng quy mô lớn từ tháng 3/2014 sau khi vụ tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobras bị phanh phui. Tính đến nay đã có hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra... 

Đọc thêm