Brunei áp dụng luật hình sự Sharia hà khắc

(PLO) - Từ đầu tháng 5/2014, Brunei đã trở thành quốc gia Đông Á đầu tiên áp dụng luật Hồi giáo Sharia với các quy định được cho là quá hà khắc, bất chấp khuyến nghị của những nhóm nhân quyền trên thế giới. 
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah
Luật Sharia là gì?
Trên trang web của mình, Chính phủ Brunei ngày 1/5/2014 thông báo, Đạo luật hình sự Sharia năm 2013 đã chính thức có hiệu lực. Trước đó 1 ngày, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đã thực hiện Lễ tuyên bố thực thi đạo luật nói trên. Tại buổi lễ, Quốc vương Bolkiah thông báo, quyết định thực thi luật Sharia không phải là ý thích của bất cứ ai mà là để tôn trọng các chính sách mà đấng Allah đã nêu ra và được ghi trong kinh Koran. 
“Tôi đặt niềm tin vào Thượng đế toàn năng và xin tạ ơn Ngài để thông báo từ ngày 1/5/2014 sẽ tiến hành giai đoạn đầu tiên của việc áp dụng luật Sharia, các giai đoạn tiếp theo sẽ được áp dụng sau đó”, Quốc vương Bolkiah tuyên bố.
Theo các quan chức Brunei, số vụ phạm tội tại nước này trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008 đã tăng thêm 30%. Số vụ bắt giữ vì các tội danh liên quan đến ma túy trong năm 2013 trong khi đó tăng đến 50% so với năm 2012. Các thống kê này là bằng chứng cho thấy cần phải có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội.
Sharia là hệ thống pháp luật có nguồn gốc từ kinh Koran, lấy cuộc đời của đấng tiên tri Mohammad làm hình mẫu và các án lệnh do các học giả Hồi giáo đưa ra. Khác với luật pháp của nhiều nước chủ yếu dựa vào hành vi phạm tội và các vấn đề dân sự, luật Sharia là “kim chỉ nam” giúp những người Hồi giáo hiểu được họ phải sống như thế nào ở mọi tình huống trong cuộc sống, từ việc quyết định có vào quán bar với một người muốn uống rượu hay không cho tới hình phạt cho tội trộm cắp tài sản.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi của luật Sharia là cách đối xử với phụ nữ. Luật này cấm phụ nữ sở hữu tài sản khi đã kết hôn, cho phép đánh đập nếu họ không phục tùng và yêu cầu cần phải có sự đồng ý của người chồng mới được xin ly hôn.
Là thành quả lớn...
Tại buổi lễ công bố về luật Sharia, Bộ trưởng Bộ các vấn đề tôn giáo của Brunei cho biết, trong giai đoạn thi hành đầu tiên của luật hình sự mới, các công dân có thể bị phạt tiền hay bỏ tù vì những tội như có con ngoài giá thú, không cầu nguyện trong các lễ cầu nguyện trong ngày thứ sáu hàng tuần, ca ngợi các tôn giáo khác đạo Hồi tại một tòa án Hồi giáo hay có những hành vi khiếm nhã. 
Giai đoạn hai sẽ được thực hiện sau khi bắt đầu giai đoạn đầu 1 năm và sẽ bao gồm các hình phạt như đánh đòn hay chặt tay chân với các tội như uống rượu hay trộm cắp. Trong năm tiếp sau đó, những hình phạt khắc nghiệt hơn nữa sẽ được thi hành như hình phạt ném đá tới chết về tội quan hệ tình dục không theo quy luật tự nhiên (ví dụ như quan hệ tình dục đồng giới), hiếp dâm, tội ngoại tình hay xúc phạm đấng tiên tri Muhammad.
Thực ra, Brunei từ lâu đã áp dụng một số quy định của Luật Sharia, trong đó chủ yếu là các vấn đề dân sự như hôn nhân hay thừa kế. Đến năm ngoái, Quốc vương nước này đã tuyên bố kế hoạch thực thi toàn bộ luật Hồi giáo. Một điểm mới nữa là trước đây, luật Sharia vốn chỉ được áp dụng cho những người Hồi giáo, vốn chiếm khoảng 70% trong tổng dân số khoảng 412.000 người của Brunei nhưng đến nay, luật mới sẽ áp dụng đối với tất cả các công dân, dù họ theo tôn giáo nào. 
Bên cạnh đó, Tổng Chưởng lý Brunei Datin Hjh Hayati cho biết, Bộ luật hình sự dân sự hiện nay của nước này sẽ tiếp tục được duy trì và thực hiện. Điều này có nghĩa là Brunei sẽ có 2 hệ thống tư pháp hình sự cùng tồn tại song song với nhau. Tổng Chưởng lý Hayati nói rằng, sẽ có một cơ quan đứng ra đánh giá sơ bộ để quyết định xem một nghi can sẽ bị xét xử theo Bộ luật hình sự dân sự hay theo luật Sharia, từ đó đảm bảo họ sẽ không bị xét xử đến 2 lần. 
Ngoài ra, bà Hayati khẳng định quá trình điều tra, xét xử và tuyên án theo luật Sharia sẽ đảm bảo công bằng và theo đúng luật pháp, với các chứng cớ rõ ràng và được sự chấp thuận của các quan tòa.
Giới chức Brunei cho rằng luật hình sự Sharia sẽ tập trung vào răn đe hơn là trừng phạt và dựa trên khái niệm về việc khuyến khích những hành vi tốt, ngăn cản những hành vi xấu. Thực ra, một số nước châu Á khác như Afghanistan, Iran, Iraq, Pakistan đều sử dụng luật Sharia trong hệ thống tư pháp của mình.
Tại Indonesia - đất nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới - luật Hồi giáo đã được áp dụng tại tỉnh tự trị Aceh trên đảo Sumatra. Brunei là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Á áp dụng đạo luật tôn giáo này ở mức độ toàn quốc.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah ca ngợi bộ luật hình sự mới là một “thành tựu lớn” của đất nước Đông Nam Á này. “Một số người khẳng định rằng luật của Allah quá nghiêm khắc và bất công, nhưng chính Allah đã nói rằng luật của Ngài là công bằng”, Quốc vương Bolkiah khẳng định.
Luật Sharia được cho là sẽ đè nặng lên người phụ nữ
Luật Sharia được cho là sẽ đè nặng lên người phụ nữ 
... hay bước lùi?
Đất nước Brunei vốn nổi tiếng về nguồn dầu mỏ được thiên nhiên hào phóng ban tặng. Vương quốc này cũng được biết đến với việc thực hiện các quy định của người Hồi giáo nghiêm ngặt hơn cả những nước có đông người Hồi giáo sinh sống hơn như Indonesia hay Malaysia. Từ nhiều năm nay, Brunei đã thực thi luật mang đậm tính chất tôn giáo, ví dụ như việc cấm bán rượu ở nơi công cộng. 
Nhưng việc áp dụng luật hình sự mới của Brunei đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nhóm vì nhân quyền. Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng phê phán và bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định thi hành luật Sharia của Brunei. “Theo luật pháp quốc tế thì hình phạt ném đá đến chết cấu thành tội tra tấn hay đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hèn hạ nên rõ ràng đã bị cấm”, ông Rupert Colville, người phát ngôn của Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc phát biểu tại một cuộc họp báo. 
Ông Colville cũng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của việc thực thi luật Sharia tới phụ nữ. “Một số nghiên cứu của Liên hợp quốc cho thấy rằng phụ nữ thường có khả năng bị ném đá tới chết hơn vì tình trạng phân biệt đối xử và định kiến đã quá sâu với họ”, ông Colville nói. 
Về phía người dân, Cha Robert Leong, một mục sư Công giáo tại Brunei, cho biết, một số người thậm chí lo rằng lễ rửa tội cho những đứa trẻ mới sinh có thể cũng bị xem là phạm luật vì luật mới cấm “tuyên truyền cho người khác về tôn giáo khác ngoài đạo Hồi cho người Hồi giáo hay một người không theo tôn giáo nào”.
Song, trang web của chính phủ Brunei dẫn thông báo của Quốc vương nước này tuyên bố ông không hy vọng người khác chấp thuận và đồng ý với chính quyền của mình mà chỉ cần các nước khác tôn trọng quyết định của Brunei như nước này tôn trọng những nước khác.
Một số điều nên tránh khi đến Brunei:
- Không ngồi vắt chéo chân, nhất là là trước đông người hoặc trong các cuộc tiếp khách thăm viếng xã giao.
- Không được uống rượu, bia, đồ uống có cồn nơi công cộng trừ khi ở một số  khách sạn được cho phép hoặc ở nhà riêng.
- Khi dự bữa ăn với người Hồi giáo dùng tay trái để ăn sẽ là thiếu lịch sự (bị coi là tay không sạch), nên dùng cả hai tay trong khi ăn.
- Theo luật Hồi giáo, tín đồ Hồi giáo bị nghiêm cấm ăn thịt lợn và uống rượu, bia, đồ có cồn.
- Phụ nữ không được ăn mặc hở hang khi tham dự các hoạt động xã hội như: Chiêu đãi, tiệc tùng, nhất là trong các hoạt động tôn giáo.
- Tránh mua tặng những tranh ảnh có hình phụ nữ, con vật, đặc biệt là lợn.
- Luật pháp Brunei cấm tụ tập đông người ở các nơi công cộng. Nếu có phải xin phép cảnh sát trước.
(Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

Đọc thêm