BSR muốn phát triển nhiên liệu hàng không bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang hướng tới phát triển nhiên liệu hàng không bền vững.
Một góc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. (Ảnh: BSR)
Một góc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. (Ảnh: BSR)

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Mới đây, tại Hội thảo “Nghiên cứu sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hàng không bền vững”, bà Vũ Thị Thanh - đại diện Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, theo đánh giá của nhiều tổ chức, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là một trong những giải pháp nhanh chóng và sẵn có để hạn chế khí thải trong lĩnh vực hàng không. Đây là loại nhiên liệu có lượng carbon thấp cho nhiên liệu máy bay phản lực thông thường làm từ dầu mỏ và nhiên liệu làm từ các vật liệu tái tạo như hạt mù tạt, mía và dầu ăn đã qua sử dụng.

Từ năm 2027, nhiều nước sẽ bắt đầu sử dụng nguồn nhiên liệu này thay thế cho các nhiên liệu bay từ hóa thạch khác. “Cục HKVN đánh giá rất cao BSR đã chủ động nghiên cứu, phát triển loại nhiên liệu này, phục vụ nhu cầu các hãng bay trong nước trong những năm tới”, bà Vũ Thị Thanh nói và cho biết, thời gian tới, Cục HKVN mong muốn các Bộ, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phối hợp để sớm có cơ chế, chính sách cho SAF, đưa nguồn nhiên liệu này vào sử dụng sớm, đáp ứng các cam kết về chống biến đổi khí hậu.

Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới bên cạnh việc nghiên cứu phương pháp sản xuất, phối trộn SAF thì cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu khoa học cần đồng hành xây dựng hành lang pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật cho loại nhiên liệu này. Đồng thời, chủ động về nguồn cung nguyên liệu đầu vào để sản xuất SAF một cách hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu SAF, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc BSR cho biết, qua 15 năm sản xuất và thương mại hoá sản phẩm nhiên liệu bay truyền thống, BSR đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp đầu mối, phân phối kinh doanh và sử dụng nhiên liệu bay để quản lý tiêu chuẩn, chất lượng và bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn năng lượng quốc gia. BSR hiện đang đẩy mạnh việc chuyển dịch năng lượng, tối đa chuyển đổi sang các năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo, bền vững, trong đó có SAF.

Ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh, hiện BSR mong muốn có những hướng dẫn, phối hợp từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước về việc sản xuất, triển khai loại nhiên liệu này. “BSR cần có cơ chế để sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hàng không bền vững” - lãnh đạo BSR nói và cho biết, đơn vị này cam kết đồng hành, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để sản xuất, nhập khẩu, cung cấp, phân phối SAF trong tương lai.

BSR có nhiều lợi thế sản xuất SAF

GS.TS Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc hóa dầu nhận định, BSR có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển, phối trộn SAF khi đã có sẵn cơ sở hạ tầng, có lợi thế về khoa học công nghệ cũng như có cơ hội tiếp cận các nguồn nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, BSR phải chủ động trong công nghệ, có định hướng hoán cải, nâng cấp nhà máy để có thể sản xuất SAF phù hợp. “Tôi tin tưởng rằng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các đối tác sẵn sàng ủng hộ BSR tham gia vào sản xuất nguồn nhiên liệu này” - GS.TS Vũ Thị Thu Hà nói.

Ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, phù hợp với các cam kết quốc tế, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong việc nghiên cứu về sản phẩm SAF từ lộ trình thực hiện, quy định pháp luật liên quan, các vấn đề sản xuất, kĩ thuật và thương mại.

Tuy nhiên, lãnh đạo BSR cho biết, cần thiết phải có thêm nhiều cơ chế khuyến khích phát triển để thúc đẩy nguồn cung SAF cũng như những cơ chế hỗ trợ trong đầu tư xây dựng và sử dụng sản phẩm này. “Mong muốn trong thời gian tới, BSR và các bên liên quan cùng nhau nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách hỗ trợ, hành lang pháp lý trong phát triển các vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm SAF” - ông Dương nói.

BSR là doanh nghiệp sản xuất xăng dầu lớn ở Việt Nam, mỗi năm đáp ứng cho nhu cầu xăng dầu trong nước hơn 30%. Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu: “Xây dựng, phát triển Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi và các địa bàn chiến lược khác; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước; tham gia vào sự phát triển bền vững của Petrovietnam”.

Đọc thêm