Đây là câu chuyện về một người lính, một liệt sĩ khiến cho nhiều người mỗi khi nhắc đến anh vẫn không cầm nổi nước mắt.
Lá thư kỳ lạ
“Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì với bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em… Sau này hòa bình lập lại, xin hãy luôn nhớ đến anh, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2/1/1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này…”.
Đó chính là một phần của bức thư với những dự cảm kỳ lạ mà liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (ở thông Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) gửi về cho người vợ yêu dấu, cùng gia đình của mình. Tìm về gia đình liệt sỹ Lê Văn Huỳnh vào một ngày tháng 7, chúng tôi may mắn gặp được bà Nguyễn Thị Xơ, vợ của liệt sỹ Huỳnh. Hơn 40 năm đã đi qua nhưng người phụ nữ ấy vẫn một lòng thủy chung ở vậy thờ chồng.
Chia sẻ với chúng tôi về những ký ức, những kỷ niệm không thể nào quên về chồng mình, đôi mắt bà rưng rưng: “Ngày anh Huỳnh lên đường chiến đấu có nói với tôi “nếu anh trở về không lành lặn thì em đừng hắt hủi anh nhé”. Tôi bảo rằng “anh cứ yên tâm đi chiến đấu, em không phải là con người như thế”. Dù hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” nhưng với tôi đó là tình cảm thiêng liêng và cao quý. Nghĩ về anh, nghĩ về quá khứ, tôi không thể nào “bỏ” anh mà đi xây hạnh phúc mới”.
Theo chia sẻ, hạnh phúc ngắn ngủi của bà được bắt đầu từ ngày 2/1/1972, khi đó anh Huỳnh đang là sinh viên năm thứ 4, khóa 13 của Trường Đại học Xây dựng. Cưới vợ được 3 ngày, anh Huỳnh lại khăn gói về trường. Năm 1972 cũng là thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, khi đế quốc Mỹ điên cuồng ngày đêm bắn phá miền Bắc.
Theo lời kêu gọi của Tổ quốc, như hàng ngàn thanh niên khác trên cả nước, anh Huỳnh tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Bình thản trước dự cảm về cái chết Sau một thời gian huấn luyện, anh được điều động vào chiến trường Quảng Trị. “Trên đườnghành quân, hễ có thời gian nghỉ là anh ấy tranh thủ viết thư về nhà cho gia đình và cho tôi. Những lá thư đầy lạc quan, cùng một niềm tin mạnh mẽ vào sự thành công của cuộc kháng chiến, được anh gửi về từ mặt trận Quảng Trị, nơi vô cùng khốc liệt.
Những dòng chữ vội vàng, nguệch ngoạc nhưng chứa đựng đầy tình yêu, nỗi nhớ” - bà Xơ nghẹn ngào nhớ lại. Tham gia vào đơn vị công binh, nhiệm vụ chính của anh Huỳnh cùng đồng đội là vượt sông đưa đạn dược, lương thực vào Thành Quảng Trị, sau đó hỗ trợ đồng đội đưa liệt sỹ, thương binh về tuyến sau. Giữa mưa bom bão đạn, anh Huỳnh cũng như các đồng đội của mình không một lần chùn bước. Những tình cảm, nỗi nhớ được các anh ào trang giấy.
Thế nhưng, trong số những bức thư gửi về từ chiến trường, có một bức thư “đặc biệt” kể trên, được viết vào tháng 11/1971. Đó không phải là bức cuối cùng anh Huỳnh gửi về cho gia đình. Khi đọc những dòng tâm sự trong thư, người nhà không khỏi ngạc nhiên về những dự cảm kỳ lạ. Lá thư được viết trước ngày anh Huỳnh hy sinh 3 tháng, dường như người lính đã linh cảm trước về ngày ra đi của mình và đón nhận nó với một tâm thế bình thản, cùng một niềm tin mãnh liệt vào ngày chiến thắng. Điều lạ lùng hơn, bức thư tả chi tiết về ngày mất, nơi chôn cất, và lạ lùng thay, ngày anh ngã xuống cũng đúng tròn 1 năm kỷ niệm ngày cưới - ngày 2/1/1973.
Hành trình tìm mộ theo lá thư “đặc biệt”
Bức thư được anh Huỳnh gửi một đồng đội quê ở Thanh Hóa, từng có lần về nhà anh chơi lúc còn là sinh viên. Tuy nhiên, sau đó người bạn này cũng hy sinh. Bởi thế, bức thư với dự cảm kỳ lạ vẫn nằm lại trong chiếc ba lô của người đồng đội. Mãi đến tháng 3/1973, những kỷ vật cuối cùng của liệt sỹ Huỳnh mới được chuyển đến tay người chị gái là bà Lê Thị Khâu.
Khi nhận được bức thư cùng với giấy báo tử của em trai, thương mẹ già, thương người em dâu còn quá trẻ, người chị tạm thời giấu kín. Phải 2 năm sau khi lá thư đặc biệt ấy về đến gia đình, bà Xơ mới được đọc nó. Thế nhưng, lần đầu tiên cầm lá thư, bà chỉ đọc được dòng đầu tiên rồi lại òa khóc nức nở.
“Phải mất gần nửa năm sau, tôi mới đủ dũng cảm đọc hết được lá thư chồng mình gửi về. Để rồi 30 năm sau, dựa vào những thông tin để lại trong bức thư, gia đình tôi mới tìm thấy hài cốt của anh mang về an táng tại quê nhà” - bà Xơ nghẹn ngào kể.
“Năm 2002, tôi liên hệ với hai đồng đội cũ của chồng mình, trong đó có anh Lê Văn Cường. Dựa vào những thông tin trong bức thư, các anh ấy đã vẽ lại sơ đồ, rồi liên hệ với Tỉnh đội Quảng Trị. Đến nơi thị sát, 30 năm đã trôi qua, khu vực an nghỉ của anh Huỳnh giờ đã là một bãi đất bằng phẳng, ngô khoai xanh tốt. Nhưng may mắn, khi chúng tôi hỏi thăm thì người chủ mảnh đất ấy đã mang ra một tấm bia có khắc tên anh Huỳnh, giống như trong bức thư. Tuy nhiên, vị trí chính xác của ngôi mộ cùng những ký hiệu giờ đã không còn nữa” - bà Xơ nhớ lại.
Ông Cường là người trực tiếp chôn cất liệt sỹ Huỳnh và hai người đồng đội khác. Bà Xơ cho biết: “Ông Cường vẫn còn nhớ, khi mất chồng tôi bị gãy một chân. Cả 3 anh được ông Cường chôn gần nhau, theo hình tam giác. Nhưng vị trí đã thay đổi nhiều quá, cái gốc cây làm dấu năm nào giờ đã bị chặt bỏ”.
Theo bà Xơ, sau đó nhờ một chỉ dẫn may mắn, đoàn đã xác định được nơi năm xưa là gốc cây đánh dấu. “Đào sâu đến hơn 2m, phần hài cốt của các anh mới được tìm thấy. Ba ngôi mộ vẫn nằm theo hình tam giác, một số phần xương cốt đã bị tiêu đi, nhưng phần xương đầu và xương chân, tay hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Tìm được hài cốt của chồng mình, tim tôi như ngừng đập. Tôi ôm hài cốt của anh, như thể cho vơi đi nỗi nhớ bao nhiêu năm xa cách, như trước đây tôi đã được ôm anh...”.
Kể đến đây, bà Xơ không thể cầm được nước mắt. Có lẽ câu chuyện về bức tâm thư với những dự cảm kỳ lạ của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, cùng sự son sắt thủy chung của bà Xơ đã khiến bao trái tim rung động. Bức thư đã úa vàng theo thời gian nhưng nội dung bức thư vẫn như còn tươi mới, nó khiến bao lớp trẻ vẫn phải rơi lệ mỗi khi đọc được những dòng tâm thư chứa chan tình cảm, rơi lệ trước tình cảm thiêng liêng, cao quý mà liệt sỹ Huỳnh dành cho vợ.
Bài viết này như một lời tri ân gửi đến những chiến sĩ đã quên mình vì đất nước, cảm ơn đến những người vợ, người mẹ đã hy sinh thầm lặng để đất nước có được hòa bình ngày hôm nay./.