“Bùng nổ” các hãng xe ôm công nghệ trên đất Mũi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, đặc biệt là người dân tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia; hiện trên địa bàn TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có hơn 30 hãng xe công nghệ các loại. Khoảng 50% trong số đó chưa được đăng ký hoạt động theo quy định.
Nhân viên xe công nghệ chờ khách.
Nhân viên xe công nghệ chờ khách.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19, người dân hạn chế đi lại, nhu cầu mua thức ăn; thêm yếu tố một số người dân sau khi sử dụng rượu, bia... sẽ cần xe ôm; nên tại Cà Mau, các loại hình dịch vụ xe ôm công nghệ phát triển rất nhanh và đa dạng, với nhiều tên gọi như: Grab Oxy, Let’s Go Bike, Gogo Bike, Grab Bike, Family Grab, Grab Nè, Grab Tràng, Ba Miền Grab, Tuấn - Kiệt Grab, Grab Anh Em 69, Grab Đồng Hành, Grab Sinh Viên, Xuân Bắc Grab…

Anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ phường 7 TP Cà Mau), cho biết, do tính chất công việc thường xuyên phải đến quán ăn uống để tiếp khách, khi ngồi quán ăn, khoảng 18h đến 20h, anh gặp rất nhiều nhân viên chạy xe ôm công nghệ vào đưa danh thiếp. Khoảng 2 tiếng đồng hồ anh nhận trên 10 tấm danh thiếp như vậy. Thậm chí ở nhiều quán ăn uống, nhân viên xe công nghệ ngồi sẵn phía trước để đợi rước khách. Khi đi xe ôm công nghệ sẽ có một nhân viên điều khiển chiếc xe của anh về, đồng thời anh lên xe của một nhân viên xe khác để được chở về.

Một tài xế đang chạy xe cho hãng Grab Oxy, cho biết: “Cty này được đăng ký hơn 1 tháng nay, dưới sự quản lý của Liên đoàn Lao động TP Cà Mau. Tuy nhiên, với tôi, nghề chạy xe chỉ mang tính chất kiếm thêm thu nhập, chứ tham gia không thường xuyên, chỉ chạy vào thời điểm ban đêm đưa rước khách từ các quán nhậu trên địa bàn TP, thu nhập từ 150 - 180 ngàn đồng/đêm”.

“Để làm tài xế cần phải điều khiển thông thạo các loại xe mô tô, xe gắn máy. Nếu có được bằng lái xe ô tô thì rất lợi thế khi hoạt động nghề và điều đặc biệt là không ngại thời gian, cho dù những lúc trời mưa, nhưng khi khách gọi là phải có mặt đúng lúc”, anh chia sẻ.

Tiện lợi, nhưng ông Lưu Minh Châu (ngụ ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) lại nêu quan điểm: “Hiện nay, nhiều dịch vụ xe công nghệ, nhiều số điện thoại để gọi, muốn đi lúc nào cũng có. Nhưng có khi từ trên TP Cà Mau về đến xã, lỡ đi vào buổi chiều tối thì phải gọi xe quen mới dám đi. Vì tôi không biết nhân viên xe ôm công nghệ có đăng ký với cơ quan chức năng để hành nghề chưa? Sợ không may gặp ngay người chạy xe hút chích hoặc không phải thành phần tốt thì rất nguy hiểm”.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, người dân khi sử dụng dịch vụ xe công nghệ rất thuận tiện, chỉ cần gọi điện nói địa chỉ thì vài phút sau sẽ có nhân viên chạy xe lại đưa rước tận nơi. Loại hình xe công nghệ này giao hàng hóa cũng nhanh chóng, tiện lợi. Đặc biệt là với những người có sử dụng rượu, bia, không phải lo CSGT xử phạt”.

“Trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện, thì đã có nhiều hãng xe công nghệ được thành lập ngày một tăng nhanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng chục DN tham gia. Với các DN chưa thực hiện đúng quy định về đăng ký kinh doanh vận tải, các đơn vị, địa phương tiếp tục hướng dẫn đăng ký. Sau thời gian hướng dẫn, DN nào cố tình không chấp hành, sẽ bị xử lý theo đúng quy định”, ông Bằng cho hay.

Đọc thêm