Số bệnh nhân tâm lý tăng sau dịch
Thời gian qua, tại các bệnh viện trên địa bàn TP HCM liên tục có các bệnh nhân đến khám vì nhiều di chứng khác nhau sau khi “vật lộn” với COVID-19. Chiếm không ít trong số đó là các bệnh lý liên quan đến tâm lý, tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc...
Một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP HCM vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Đặc biệt, với các bênh nhân từng bị COVID-19, nguy cơ mắc các căn bệnh tâm lý càng cao hơn. Theo bác sĩ Hồng Văn In (Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), nhiều F0 khỏi bệnh mắc các di chứng tâm lý hậu COVID-19. Đây là tình trạng tiếp tục bị ám ảnh, khủng hoảng tâm lý hậu nhiễm, khiến người bệnh luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, khó ngủ; nặng hơn thì rơi vào tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm. Họ chủ yếu thuộc nhóm bị tổn thương tâm lý, do bản thân phải trải qua, hay chứng kiến người thân mắc COVID-19 nặng; hoặc gia đình có người tử vong vì COVID-19.
Theo bác sĩ In, có ba nguyên nhân chính khiến COVID-19 để lại di chứng tâm lý sau khỏi bệnh. Thứ nhất, do cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại nCoV nhưng ở một số người, hệ miễn dịch không kiểm soát đúng cách đã gây hại ngược cho tế bào thần kinh. Khi hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đau đầu, không tập trung, hạn chế sáng tạo, giảm khả năng học tập, làm việc... Nguyên nhân thứ hai là tâm lý căng thẳng của người bệnh khi mắc COVID-19, đặc biệt, ở nhóm người vốn có vấn đề về tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lo âu, hoang tưởng... càng dễ bị căng thẳng hơn, dễ dẫn đến mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nguyên nhân thứ ba, khi mới bị căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone chống lại tình trạng stress. Các hormone này giúp cơ thể vượt qua thử thách stress trong vòng 24 giờ. Lúc này, tim sẽ đập nhanh hơn, hồi hộp, tăng huyết áp. Nếu cơ thể không giải quyết được stress trong khoảng thời gian vàng này mà để tình trạng căng thẳng kéo dài hơn, các hormone stress có cơ hội "phản pháo". Các cortisol sẽ tăng lên, tạo ra các gốc tự do, rối loạn chuyển hóa... Căng thẳng kéo dài làm cho người bệnh bất ổn tâm lý, như dễ cáu gắt, buồn vu vơ, lo lắng hay có những hành động lạ (khóc, hét to hoặc uống rượu bia, các thuốc gây nghiện).
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, thời gian này, chị tiếp nhận rất nhiều ca “có vấn đề tâm lý” liên quan đến di chứng hậu COVID-19. Trong số đó, một số bệnh nhân vốn có sẵn những vấn đề về tâm lý và sức khoẻ tâm thần sau khi trải qua một đợt COVID-19 nên càng gây ra những di chứng nặng nề hơn.
Tuy nhiên, cũng có không ít người trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, không có vấn đề về tâm lý, thậm chí tâm lý vững vàng nhưng sau khi nhiễm bệnh thì có triệu chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc. Có những triệu chứng không có lý do, bệnh tự phát tác, nhưng cũng có nhiều người là do những tổn thương, tổn thất mà dịch bệnh gây ra như mất người thân, mất việc, giãn cách lâu ngày gây sợ hãi...
Chuyên gia tâm lý Lê Thi Minh Nga chia sẻ, có trường hợp, cả hai vợ chồng đều bị tổn thương tâm lý hậu COVID. Người chồng từ ông chủ một công ty nhỏ ăn nên làm ra với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, vì dịch bệnh, giãn cách kéo dài, trụ không nổi mặt bằng, tiền nhân viên, lại bị đối tác quỵt nợ nên phá sản công ty. Sau khi bình thường mới, anh phải quay lại đi làm công cho người khác với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Sự nuối tiếc, ức chế khiến anh trở nên tự ti, không muốn giao tiếp nhiều với những người chung quanh. Cạnh đó, người chồng trở nên cáu bẳn, trút giận lên vợ con, không có mối quan hệ thân thiện với đồng nghiệp. Chị vợ thì do ảnh hưởng từ việc chồng phá sản công ty, vợ chồng nhiều mâu thuẫn, cộng với việc chịu một thời gian giãn cách kéo dài, bản thân chị từng bị COVID và chứng kiến hàng xóm mắc COVID mà qua đời, nên chị hay sợ hãi, mệt mỏi, mất ngủ. Đó là triệu chứng của căn bệnh “rối loạn lo âu”. Hiện, cả hai vợ chồng đã nhận ra được những vấn đề bất ổn tồn tại bên trong mình và đang trong quá trình cùng nhau tháo gỡ, điều trị.
Thực tế, nhiều người vẫn còn xem nhẹ mối nguy do di chứng hậu COVID-19 đem đến. Có những người, đến hai, ba tháng mất ngủ, suy kiệt sức khoẻ cộng với trầm cảm mới nhận ra là cần phải đi khám để cải thiện sức khoẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, di chứng hậu COVID-19 đôi khi không thể hiện rõ triệu chứng mà ở dạng tiềm ẩn, như thay đổi một số thói quen, hành xử, chuyển biến tâm lý hoặc thay đổi nhỏ về sức khoẻ mà chính bản thân người bệnh nếu không quan sát cơ thể sẽ không nhận ra được.
Số ca rối loạn tâm lý tăng sau dịch. (Ảnh minh họa) |
“Thuốc” nghị lực tinh thần
Sau những đợt bùng phát dịch, hậu quả để lại cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần là khó kể xiết. Như câu chuyện đau lòng đã diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua, một người phụ nữ tên V.T.H. (57 tuổi, ở Nam Định) tự tử bằng thuốc diệt cỏ sau khi biết tin mình nhiễm COVID-19 và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Trong một năm qua, người phụ nữ này đã có dấu hiệu trầm cảm và đang sử dụng thuốc ổn định tâm lý.
Cạnh đó, những người có người thân mất vì COVID-19 cũng là những người chịu nỗi đau lớn, dễ dẫn đến rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và điều trị nghiêm túc bằng nhiều liệu pháp.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để “trị” được các di chứng hậu COVID-19 không chỉ cần các loại thuốc đặc trị là đủ. Điều cần thiết vẫn là nghị lực tinh thần của mỗi người bệnh. Tăng cường thể dục thể thao, bồi bổ thể chất cộng với nỗ lực quay lại nếp sống cũ, kết nối các mối quan hệ cũ, kết nối nhiều hơn với gia đình là những phương pháp để mỗi người chống chọi với những di chứng gây ra sau khi trở thành F0.
Còn theo ThS.BS Trần Quang Trọng - chuyên viên tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, mỗi ngày trung tâm điều trị hậu COVID-19 của bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến điều trị gặp các vấn đề tâm lý hậu COVID-19, trong đó phổ biến là trầm cảm.
Theo BS Trọng, nếu trầm cảm bệnh nhân sẽ được tiếp cận điều trị đa mô thức. Trước tiên là các liệu pháp trị liệu tâm lý như nhận thức, hành vi, chánh niệm... Với các tình trạng trầm cảm trung bình đến nặng có thể điều trị tâm thần, sử dụng hóa dược/thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần khi cần thiết. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.
Bác sĩ Trần Quang Trọng cho biết, những lời khuyên như tạo thói quen sinh hoạt tích cực; hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin tiêu cực; duy trì các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng, tôn giáo, từ thiện... chỉ phù hợp với bước chăm sóc sức khỏe tinh thần ban đầu. Còn khi một bệnh nhân bước vào giai đoạn trầm cảm, điều cần thiết là lắng nghe câu chuyện của họ, từ đó tìm ra phương pháp trị liệu phù hợp cho từng người, giải quyết vấn đề phải xuất phát từ chính bản thân bệnh nhân.
Cạnh đó, sự đồng hành, lắng nghe, sẻ chia của người nhà bệnh nhân cũng rất quan trọng trong suốt quá trình điều trị các sang chấn tâm lý hậu COVID cho các bệnh nhân.
Các tổn thương tâm lý là một trong những di chứng gây ra do COVID-19 mà nhiều người, nhiều gia đình đang phải đối mặt hiện nay. Như bao hậu quả khác của COVID-19, những biến chứng tâm lý cần được chú tâm chăm sóc, cũng cần có thời gian và thương yêu để xoa dịu, chữa lành.