Buôn lậu qua đường bưu chính ngày càng tinh vi
Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, tội phạm về ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính để hoạt động diễn ra phức tạp. Trong 2 năm qua, cơ quan này đã phối hợp các đơn vị liên quan phát hiện, bắt giữ 35 vụ, 57 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường chuyển phát quốc tế vào Việt Nam, thu giữ 931kg ma túy tổng hợp các loại. Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cũng đã thu giữ hàng trăm vụ lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả trong vòng 2 - 3 năm qua, đặc biệt sau khi thương mại điện tử (TMĐT) nở rộ.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục QLTT, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra 328 vụ, xử lý 233 vụ liên quan đến TMĐT. Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá, con số này còn khá khiêm tốn khi TMĐT đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do đó, lãnh đạo Bộ đề nghị, thời gian tới, lực lượng QLTT cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trong các lĩnh vực, ngành hàng kể trên. Đặc biệt, lưu ý vấn đề phối hợp phòng, chống hàng lậu, hàng giả qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính.
Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cũng cho thấy, vấn đề nổi cộm lên là buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không, bưu chính ngày càng tinh vi.
Đại diện Cục Hải quan TP Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, nhiều mặt hàng, trong đó đáng chú ý là mặt hàng điện thoại đang được các doanh nghiệp bưu chính vận chuyển cũng rất khó phát hiện đó là sản phẩm giả hay thật cơ quan chức năng phải tiến hành giám định với chi phí rất cao mới phát hiện được hàng giả.
Cần quy định chặt chẽ, chế tài đủ mạnh
Đại diện Tổng cục QLTT chia sẻ, vấn đề lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả đã được Tổng cục nhận diện từ 3 năm nay và cũng đã có đề xuất để ngăn chặn được vấn đề này. Ví dụ, đại diện Cục QLTT Hà Nội đề xuất để ngăn chặn trình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua chuyển phát nhanh, bưu chính cần có một quy định siết chặt buôn bán qua TMĐT và chế tài gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của các trang web bán hàng online. Tuy nhiên, vẫn còn vướng khá nhiều khi chưa có các quy định, chế tài chặt cho vấn đề này.
Mới đây, Tổng cục QLTT và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo nội dung thỏa thuận, 2 bên bảo đảm trách nhiệm, quyền lợi của các với mục tiêu đấu tranh phòng, chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vận chuyển qua đường bưu chính và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động bưu chính.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, đây là thời điểm phù hợp cho việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 2 đơn vị trong việc kiểm tra và xử lý đối với hàng hóa vi phạm gửi qua đường bưu chính. Lý giải khẳng định này, Tổng cục trưởng cho biết, cách đây 3 tháng Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án chống gian lận thương mại trên môi trường TMĐT đến năm 2025. Đây là Đề án rất quan trọng. Lực lượng QLTT xác định mặt trận phòng, chống gian lận thương mại trong thời gian tới là TMĐT, trên các sàn giao dịch, các nền tảng mạng xã hội...
Ông Hoàng Trung Thành - Tổng Giám đốc Viettel Post cho rằng TMĐT hiện đang phát triển rất mạnh. Tốc độ phát triển TMĐT tại Việt Nam cao gấp 3 lần mức chung của thế giới. Dư địa còn rất nhiều bởi mua bán truyền thống hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng cao. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng là bài toán “hóc búa” về mặt quản lý thị trường, quản lý về xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ hay các loại hàng hóa vi phạm khác…
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, đây là mặt trận mới, khó đối với các lực lượng chức năng. Bởi, bắt trên mạng sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với thị trường truyền thống bởi có yếu tố trung gian như dịch vụ thanh toán, hạ tầng, chuyển phát, bưu chính… “Việc phối hợp Viettel Post giúp nhiệm vụ của mỗi bên được thực thi hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển của thương mại nói chung và TMĐT nói riêng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua sắm hàng hóa” - ông Linh nói.
Việc phối hợp giữa 2 đơn vị này cũng được kỳ vọng có thêm phương thức hữu hiệu để phòng, chống từ xa việc lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại.