Buôn lậu xăng dầu “nóng” trên biển
Trọng điểm buôn lậu trên biển là các vùng biển tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, TP HCM, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang.
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh BĐBP tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu trên biển và triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển từ nay đến Tết Nguyên đán 2017 tổ chức vào ngày 17/11/2016, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển (gọi tắt là buôn lậu trên biển) diễn biến phức tạp, đặc biệt là xăng dầu, than, gỗ, đường, thuốc lá ở một số địa bàn trọng điểm vùng biển Đông Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ.
Những tháng gần đây, tình hình buôn lậu trên biển không phức tạp. Ở nhiều địa bàn trọng điểm trước đây, hoạt động này đã được kiểm soát, không xảy ra điểm nóng. Mặc dù vậy, hàng hóa trái phép vận chuyển nội địa vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp với thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, than, thuốc lá, rượu ngoại, pháo nổ, sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm, hàng điện tử điện lạnh…và một số mặt hàng phụ tùng ô tô. Ngoài ra, nổi lên là các hoạt động vận chuyển trái phép bã xít, chất thải, bụi lò đi Trung Quốc hoặc xả thải ra biển gây ô nhiễm môi trường. Các đối tượng vi phạm pháp luật hoạt động trên các vùng biển trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An…
Theo nhận định của Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP thì buôn lậu xăng dầu “nóng” trên biển. Sáng ngày 13/4/2016, tàu tuần tra BP 181301 của Hải đội 2, BĐBP tỉnh Sóc Trăng đang tuần tra khu vực ven biển của tỉnh thì phát hiện tàu cá BV 5491TS có biểu hiện nghi vấn. Khi thấy tàu tuần tra của BĐBP phát tín hiệu kiểm tra phương tiện, chủ tàu đã tăng ga bỏ chạy, lực lượng tuần tra đã truy đuổi và bắt giữ phương tiện.
Tàu BV 5491TS có 5 thuyền viên do Huỳnh Văn Phương (SN 1970, ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) làm thuyền trưởng, trên tàu chở 100 ngàn lít dầu D.O nhưng chủ tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và các thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ của thuyền viên đi biển. Hải đội 2 BĐBP Sóc Trăng đã cho lái dắt tàu chở dầu bất hợp pháp về cảng Trần Đề, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/10/2016, Hải đoàn 28 BĐBP kiểm tra tàu cá KG 91241TS do Ngô Thanh Tâm làm thuyền trưởng cùng 4 thuyền viên vận chuyển 35 tấn dầu/41.230 lít dầu. Tâm khai mua dầu từ 1 tàu dầu mang quốc tịch Thái Lan trên vùng biển Campuchia sau đó bán lại cho các tàu cá để kiếm lời. Tại thời điểm kiểm tra người, phương tiện và hàng hóa đều không có giấy tờ theo quy định.
6 tháng đầu năm 2016, BĐBP Cà Mau đã phát hiện bắt xử lí gần 30 ngàn lít dầu do các phương tiện đánh bắt trên biển mua của tàu thuyền nước ngoài và vận chuyển vào bờ. Hoạt động buôn lậu xăng dầu thường tập trung diễn ra trên khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Campuchia.
Buôn lậu than “nóng” thứ hai
Theo đánh giá của BĐBP Thừa Thiên Huế, thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là mặt hàng than cám trên biển gặp rất nhiều khó khăn, vì các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn nhằm trốn tránh pháp luật. Các đầu nậu thường ít xuất đầu lộ diện mà gián tiếp thông qua thuyền trưởng, người áp tải hàng hoặc công ty trung gian để thực hiện hành vi buôn lậu.
Tình trạng vận chuyển và buôn lậu than trái phép trên biển có thể bùng phát trở lại trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sắp cận kề. Các đối tượng buôn lậu thường xuyên neo đậu tàu, thuyền ngoài khơi, sau đó trung chuyển hàng lậu sang các tàu nhỏ, nhất là đối với mặt hàng than, làm cho lực lượng chức năng rất khó phát hiện, bắt giữ, vì mặt hàng này có nhiều chủng loại, chất lượng cũng khác nhau. Có trường hợp, các đối tượng lợi dụng đêm tối, sóng to, gió lớn để vận chuyển hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng còn thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình hoặc cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, sau đó chờ thời cơ thuận lợi để tẩu tán hàng.
Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, trên vùng biển miền Trung xảy ra gần 10 vụ buôn lậu than với số lượng lớn lên đến hàng chục nghìn tấn. Điển hình, ngày 6 và 7/8/2016, BĐBP Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm miền Trung, Đoàn Đặc nhiệm miền Nam thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP bắt giữ 2 tàu thủy vận chuyển trái phép hơn 5.000 tấn than cám khi đi qua vùng biển Thừa Thiên Huế. Ngày 29/9/2016, Hải đoàn 18 BĐBP phát hiện, bắt giữ tàu Trường An 145 tại cửa sông Soài Rạp (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) vận chuyển 3.001 tấn than cám. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.