Buồn vui nghề “xoay tròn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dân làng Bàu Trúc, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận với gọi đùa nghề làm gốm làng mình là cái nghề “nặn bằng tay, xoay bằng mông”, hay ngắn gọn là nghề “xoay tròn”, bởi kỹ thuật làm gốm đặc biệt của người Chăm được truyền lại từ bao đời nay.
Chủ thể văn hóa và người thực hành di sản chủ yếu là phụ nữ Chăm. (Ảnh minh họa)
Chủ thể văn hóa và người thực hành di sản chủ yếu là phụ nữ Chăm. (Ảnh minh họa)

Mới đây, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và cũng như nhiều di sản khác bên cạnh niềm vui cũng còn đó nhiều nỗi niềm tâm sự…

Di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, vào hồi 16 giờ 12 phút ngày 29/11/2022 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11/2022 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, Thủ đô của Vương quốc Maroc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Như vậy, nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành. Việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, có 5 lý do giúp Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đáp ứng những tiêu chí để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đó là, di sản này liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được trao truyền trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Việc trao truyền được thực hiện bằng biện pháp kể chuyện và thực hành hàng ngày. Di sản thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các sinh hoạt xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Tiếp đó, hồ sơ di sản cho biết hiện nay số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề tại các làng gốm còn ít. Dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, di sản vẫn có nguy cơ mai một bởi nhiều mối đe dọa khác nhau như sự đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian của các làng nghề thủ công truyền thống và ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sẵn có, chi phí cho nguyên liệu tăng cao, nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh.

Còn rất ít người mặn mà theo nghề

Trong chuyến đi Ninh Thuận cách đây không lâu, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện và xem nghệ nhân người Chăm Đàng Thị Lực ở làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận thực hành nghề. Vừa nói chuyện, nghệ nhân Đàng Thị Lực vừa thoăn thoắt nhào nặn cục đất cho nhuyễn rồi khéo léo tạo hình cho chiếc bình hoa. Đôi bàn tay gầy đen của bà vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất thành hình tròn, rồi ấn đầu ngón tay cái vào miệng bình. Đặt bình lên chiếc ghế, bà dùng mảnh vải thấm nước, xoay người thành vòng tròn để chà láng sản phẩm.

Trong chốc lát, cục đất vô tri đã biến thành lọ hoa xinh xắn, độc bản, không hề giống bất kỳ chiếc lọ nào đã được làm trước đó. Tại sao lại nói là độc bản, bởi với cách làm gốm của người Chăm thì ít sản phẩm nào giống sản phẩm nào, cho dù cùng ra lò từ một đôi bàn tay người thợ.

Nghệ nhân Đàng Thị Lực cho biết, nghề gốm của làng Bàu Trúc có từ rất lâu đời do vợ chồng ông Pôklông Chanh khởi xướng. Đất lấy về được phơi khô 2 - 3 ngày, trước khi sử dụng phải ngâm trong nước một đêm rồi đem nhồi với cát theo tỉ lệ 1 - 1. Khi cát và đất hòa vào nhau, nghệ nhân phải dùng chân nhào, sau đó tiếp tục dùng tay nhào thêm lần nữa. Đất đạt yêu cầu cũng là lúc nghệ nhân thực hiện tác phẩm. Sản phẩm gốm hoàn tất được đem phơi 4 - 5 giờ, sau đó nghệ nhân phải dùng vòng tre cạo lại, tiếp tục chà bóng rồi đem phơi khô lần hai.

Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc là một tác phẩm nghệ thuật bởi tất cả các công đoạn đều dùng tay, ngay cả khi nung gốm. Nung gốm phải chọn ngày nắng, củi được chất bên dưới, sản phẩm gốm đặt ở trên theo nguyên tắc lớn dưới, nhỏ trên. Cuối cùng, phủ một lớp rơm cho kín để khi cháy, tro rơm không làm bốc hơi nóng giúp sản phẩm có màu đẹp tự nhiên. Thời gian nung gốm 5 - 6 giờ. Khi gốm chín, cứ để nguyên trên lò nếu là sản phẩm thô. Riêng với sản phẩm mỹ nghệ, lúc lửa tắt cần cho ngay gốm vào nước vỏ đều để có màu đỏ đẹp.

Lúc ban đầu, sản phẩm gốm Bàu Trúc ra đời chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày với những vật dụng thân quen như nồi, chum, vại... Nhưng đến nay khi sản phẩm gốm Bàu Trúc đã được nhiều người tin dùng và nơi đây trở thành làng gốm cổ nhất Đông Nam Á thu hút du khách gần xa, thì những nghệ nhân của làng còn nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn chuyển từ làm gốm gia dụng sang mỹ nghệ. như bình đại, thác nước, tháp, bình hoa...

Bản thân nghệ nhân Đàng Thị Lực từ năm 2000 cũng đã chuyển sang làm gốm mỹ nghệ. Cách đây vài năm, bà đã hoàn thành 2 chiếc bình đại (mỗi chiếc có chiều cao 2m, nặng 220kg) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bình gốm Chăm lớn nhất Việt Nam. Tại phiên đấu giá diễn ra ở Công viên Văn hóa Đầm Sen - TP HCM, 2 chiếc bình đã được mua với giá 300 triệu đồng. Bà được phong nghệ nhân năm 2005.

Nhưng dù thay đổi thế nào đi chăng nữa thì ở làng gốm Bàu Trúc cũng có một điều không thay đổi. Đó là nghề làm gốm chỉ được truyền cho con gái, hay nói cách khác, nghề làm gốm là nghề mẹ truyền con nối.

“Tôi sinh ra và lớn lên tại làng gốm Bàu Trúc. Từ nhỏ sáng nào tôi cũng thấy mẹ mình và rất nhiều phụ nữ trong làng quẩy gánh chất đầy chum, vại, nồi, khuôn bánh căn… đem ra chợ bán. Như những phụ nữ Chăm khác, tôi học nghề từ năm 10 tuổi, đến nay đã 65 năm tuổi đời, như vậy là có hơn năm chục năm gắn bó với những khối đất làm gốm” - bà Đàng Thị Lực cho biết.

Cũng theo bà Lực, xưa bà học làm gốm từ mẹ mình thì nay bà lại truyền cho con gái. “Tôi có 3 cô con gái, cô lớn nhất sinh năm 1975 và cũng chỉ có nó là theo nghề của tôi. Con gái làng Chăm bây giờ ít thích học nghề truyền thống mà thích đi làm công ty vì nhàn, lương cao hơn. Con gái tôi theo nghề gốm và có lò gốm, bán sản phẩm ở nhà. Nó cũng có hai cháu nội gái, nhưng không biết là bọn trẻ có còn chịu học nghề hay không” – nghệ nhân Đàng Thị Lực tâm sự.

Nghệ nhân Đàng Thị Lực và nỗi lo nghề gốm thất truyền.

Nghệ nhân Đàng Thị Lực và nỗi lo nghề gốm thất truyền.

Câu chuyện của nghệ nhân Đàng Thị Lực cũng là câu chuyện của bà Đàng Thị Phan – cũng là một nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc. Suốt 50 năm qua, nghệ nhân Đàng Thị Phan theo đuổi cái nghề mà người làng vẫn nói vui là “nặn bằng tay, xoay bằng mông” này. Bà kể, từ năm 18 tuổi bà đã học nghề gốm từ cụ cố nội. Đời bà nội, rồi đến mẹ bà đều gắn bó với gốm Bàu Trúc. Điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á này đó chính là những sản phẩm hầu hết do phụ nữ làm, bởi nghề được truyền theo kiểu mẫu hệ của người Chăm.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan nói rằng, các phụ nữ Chăm yêu nghề của bà, của mẹ mà tự mày mò “học mót” rồi tự sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới, ngoài ra chẳng có sách vở nào dạy làm gốm Bàu Trúc cả. Nghệ nhân Đàng Thị Phan có 11 người con, trong đó 3 người con gái, nhưng chẳng ai theo nghề của bà vì giới thanh niên trong làng còn rất ít người mặn mà theo đuổi cái nghề “xoay tròn” này.

Qua câu chuyện của nghệ nhân, có thể nói nghề làm gốm giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, song nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề.

Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm.

Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 - 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 8.000C. Nguyên liệu (đất sét, cát, nước, củi và rơm) được khai thác tại chỗ. Đất sét được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và mỏ đất làng Xuân Quang (cách làng Bình Đức, tỉnh Ninh Thuận, 3km về hướng Tây Bắc). Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, và vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm.

Đọc thêm