Doanh thu của Bưu điện Việt Nam tăng trên 35%
Năm 2016 tổng doanh thu Tổng công Bưu điện Việt Nam đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng trên 35% so với năm 2015; lợi nhuận đạt trên 185 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm trước. Đây là con số vô cùng ý nghĩa đối với Bưu điện Việt Nam trong điều kiện hoạt động bưu chính công ích nhưng lại không còn nhận sự trợ cấp bằng tiền của Nhà nước như trước kia. Trong đó, Công ty mẹ, doanh thu tăng hơn 38%, lợi nhuận tăng hơn 47% so với thực hiện năm 2015.
Không chỉ ấn tượng bởi các chỉ số kinh doanh, năm 2016 là năm đầy dấu ấn của Bưu điện Việt Nam trong lĩnh vực hành chính công. Tổng công ty không chỉ mở rộng việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với BHXH Việt Nam hoàn thành việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT; triển khai chi trả bảo trợ xã hội và chi trả gói trợ giúp xã hội... mà còn tổ chức cung cấp dịch vụ tiếp nhận, cấp đổi hồ sơ giấy phép lái xe, thu nộp hộ tiền xử phạt vi phạm giao thông và chuyển trả giấy tờ tạm giữ…
Bưu điện Việt Nam nhận cờ thi đua của Chính Phủ |
Tuy nhiên một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong lĩnh vực cải cách hành chính của đất nước trong thời gian qua là ngày 19/10/2016, là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây được coi là bước tiến mới trong cải cách hành chính ở Việt Nam hiện nay.
Giờ đây thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính để nộp hồ sơ, lệ phí và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp chỉ cần tới các điểm phục vụ của Bưu điện để sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, qua đó không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn giảm đáng kể sự phiền hà, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính.
Đổi mới Bưu điện văn hóa xã theo hướng đa dịch vụ
Xác định điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) là một trong những mắt xích đặc biệt quan trọng của Bưu điện Việt Nam, năm 2016, Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, sửa chữa, trang bị biển hiệu tại hàng trăm điểm trên cả nước.
Giờ đây điểm BĐ-VHX vừa là điểm sinh hoạt cộng đồng, duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống mà còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ như: các dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ viễn thông và sản phẩm hàng hóa tiêu dùng... Đặc biệt, các điểm BĐ-VHX còn tham gia vào các dịch vụ hành chính công như: chi trả lương hưu, trợ cấp, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội.
Nhân viên bưu điện Quảng Nam thực hiện chi trả trợ cấp Người có công tại nhà Mẹ Việt Nam anh hùng |
Tới đây, Bưu điện Việt Nam sẽ đầu tư hàng loạt các trang thiết bị cần thiết cũng như đào tạo tập huấn để tiến tới tại các điểm BĐ-VHX sẽ triển khai thực hiện việc nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho từng người dân tại các thôn, bản.
Đặc biệt, để các điểm BĐ-VHX phát huy tối đa năng lực và lợi thế vốn có, nhất là việc đưa dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng về nông thôn với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ Post Mart... Năm 2016, Bưu điện Việt Nam đã tìm hướng đi mới cho các điểm BĐ-VHX theo hướng hoạt động đa dịch vụ.
Đến nay toàn mạng lưới đã có khoảng 1.850 điểm BĐ-VHX đa dịch vụ, đồng thời tiến tới triển khai mới tại 1.833 điểm trên toàn quốc. Đối với các điểm BĐ-VHX đã triển khai mô hình đa dịch vụ, mức tăng trưởng bình quân của các điểm đạt từ 15 - 20%. Doanh thu bình quân của mỗi điểm/tháng đạt 20.800.000 đồng.
Xác định mục tiêu tối cao trong năm 2017 với doanh thu tăng trên 27% so với năm 2016, lợi nhuận phấn đấu đạt 258 tỷ đồng, Bưu điện Việt Nam sẽ tập trung xây dựng nền sản xuất bưu chính hiện đại, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo sự cách biệt và khác biệt tuyệt đối trên thị trường.