Theo thông tin từ khoa Ngoại Nhi tổng hợp - BVĐK tỉnh Phú Thọ, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Vũ Nguyễn T.N (SN 2013, trú tại huyện Phù Ninh) vị bị tắc ruột phải cấp cứu.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó bệnh nhi đã ăn nhiều măng xào (loại măng nứa luộc được ngâm nước), hồng ngâm và sung. Ba ngày trước khi vào viện, bé N bị sốt, đạu bụng âm ỉ, bụng chướng căng, gia đình có cho cháu uống thuốc nhưng không khỏi.
Kết quả thăm khám và chụp X - quang cho thấy hình ảnh mức nước mức hơi, kết quả CT thấy tắc ruột non, quai ruột nổi rõ, các bác sĩ chẩn đoán tắc ruột cơ học nghĩ đến do bã thức ăn.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Hai khối bã thức ăn được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhi |
Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ, các bác sĩ cho biết trong ổ bụng bệnh nhi có nhiều dịch, các quai ruột non giãn to, có khối bã thức ăn kích thước 2x3cm cứng chắc làm bít tắc hoàn toàn lòng ruột, phía trên chỗ bít tắc có nhiều bã thức ăn kích thước nhỏ hơn, kiểm tra dạ dày có 2 khối bã thức ăn kích thước 3x3cm. Tiến hành xử trí bóp nhỏ bã thức ăn, tuồn dịch và các bã thức ăn trên chỗ tắc xuống đại tràng, các bác sĩ đã tiến hành mở dạ dày lấy 2 khối bã thức ăn sau đó rửa ổ bụng.
Theo Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại Nhi tổng hợp BVĐK tỉnh Phú Thọ: Tình trạng tắc ruột nếu không được phát hiện và phẫu thuật sớm dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột, suy đa tạng là rất cao, thậm chí gây tử vong.
Bệnh nhi được theo dõi hậu phẫu và điều trị tích cực, sau 4 ngày đã có thể uống sữa và ăn cháo, sau 1 tuần sức khỏe ổn định sẽ được ra viện.
Bác sĩ Lân cũng khuyến cáo các gia đình không nên cho trẻ ăn quá nhiều những đồ ăn chứa nhiều chất xơ, nhiều nhựa như quả sung, quả cám mít, măng lúc đói, thức ăn dễ kết lại với nhau và tồn tại lây trong dạ dày tạo thành khối bã, dẫn đến tắc ruột… Bên cạnh đó, cha mẹ nên bổ sung hợp lý các loại thức ăn và tẩy giun định kỳ cho trẻ./.