Bệnh nhân được cứu sống nhờ thực hiện cùng lúc báo động đỏ liên viện, nội viện, áp dụng những kỹ thuật cao và trên hết đó là tinh thần quyết tâm điều trị đến cùng, trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện. Đây là bệnh nhân có thời gian ngưng tuần hoàn lâu nhất được cứu sống tại bệnh viện, một kỳ tích trong thực hành lâm sàng bệnh viện.
Hình ảnh động mạch vành trước can thiệp |
Bệnh nhân nam Nguyễn Thành T. (62 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, Cần Thơ) có bệnh lý tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Lúc 7 giờ 15 phút ngày 07/10, bệnh nhân đột ngột khó thở, ngưng tim ngưng thở và được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngưng tim ngưng thở. Sau 45 phút cấp cứu, bệnh nhân có nhịp tim lại, bệnh viện tiến hành báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và chuyển viện với thời gian 10 phút.
Trên đường vận chuyển bệnh nhân tiếp tục ngưng tim nhiều lần và được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân được sử dụng 40 ống Adreanalin (thuốc cấp cứu trong ngừng tim). Ngay khi tiếp nhận thông tin từ bệnh viện tuyến trước, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiến hành báo động đỏ nội viện và chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, thuốc và đặc biệt huy động các trưởng khoa nhiều chuyên khoa cùng tham gia cấp cứu cho bệnh nhân.
Hình ảnh động mạch vành sau can thiệp |
Sau 35 phút cấp cứu bệnh nhân có nhịp tim trở lại và tiếp tục thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao... Tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ tiến hành hội chẩn bệnh viện với chẩn đoán: Hôn mê, nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngưng tim ngưng thở, suy hô hấp nặng.
Sau hai tuần điều trị tích cực sáng 21/10, bệnh nhân tiến triển phục hồi, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định và thực hiện tốt y lệnh bác sĩ điều trị, trong niềm vui vô bờ bến của tập thể nhân viên bệnh viện và gia đình bệnh nhân. Sáng 22/10/2020 bệnh nhân đã ngưng lọc máu liên tục. Đây được xem là một kỳ tích trong thực hành lâm sàng của Bệnh viện. Bệnh nhân được tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân |
Theo Bs.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc bệnh viện, thành công của ca bệnh này là nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Ban Giám đốc bệnh viện, cùng sự phối hợp rất tốt giữa các bệnh viện, khoa phòng trong bệnh viện và quá trình điều trị tích cực của các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong thời gian 15 ngày. Trong đó, không thể không nhắc đến kỹ thuật cấp cứu tốt ngưng tuần hoàn của bệnh viện tuyến trước và đặc biệt việc triển khai qui trình báo động đỏ.